1. Câu chuyện về Emmett Till
Emmett Till Louis (25/7/1941 – 28/8/1955) là một cậu bé người Mỹ gốc Phi tới từ Chicago. Năm 14 tuổi, Emmett có tới thăm người chú họ ở Mississippi. Trước khi đi, mẹ Emmett Till tỏ ra lo lắng.
Như có linh cảm từ trước, cô dặn con trai mình phải tuyệt đối cẩn thận, nhất là trong những hành động liên quan tới người da trắng bởi lẽ vào thời điểm ấy ở Mississippi, người da đen luôn bị người da trắng coi thường, miệt thị là công dân hạng 2.
Một buổi chiều, trong khi đi mua kẹo cùng với người em họ, Emmett đã vô tình huýt sáo với một người phụ nữ da trắng - vợ của chủ cửa hàng kẹo. Emmett thực hiện hành động tán tỉnh kiểu trẻ con ấy mà không hề biết rằng, hậu quả khôn lường đang chờ đợi cậu.
Vài ngày sau đó, Ray Bryant - chồng người phụ nữ nọ cùng J.W.Milam tới nhà chú Emmett nói chuyện. Hậu quả xấu nhất đã xảy ra. Emmett bị bắt đi, đánh đập, móc mắt, siết cổ bằng dây thép gai và vứt xuống sông Tallahatchie. Ba ngày sau, thi thể của cậu được phát hiện và chuyển về Chicago.
Phẫn nộ trước hành động đầy thú tính của những kẻ da trắng, mẹ Emmett là Mamie đã công khai đứng dậy đấu tranh. Cô để con trai mình trong một chiếc quan tài mở và cho phép tất cả mọi người tới xem. Mamie tâm sự: “Tôi muốn thế giới đến xem những gì mà sự phân biệt chủng tộc đã làm”.
Cận cảnh thi thể Emmett Till.
Kết quả có tới 10.000 người tới quan sát thi thể của Emmett trước khi cậu bé được chôn cất, thậm chí có một số đã ngất xỉu ngay lập tức khi chứng kiến xác Emmett.
Sự kiện đã gây ra sự phẫn nộ lớn trên toàn nước Mỹ cũng như thế giới khi đó. Mặc dù vào thời điểm ấy, hai tên sát nhân vẫn được ngấm ngầm bảo vệ, xử trắng án nhưng người mẹ của cậu bé Emmett Till vẫn tiếp tục đấu tranh.
Những hoạt động của Mamie nhằm chống lại nạn phân biệt chủng tộc.
Mamie đến Mobley và thuyết trình về câu chuyện con trai mình trước toàn nước Mỹ. Sau đó, hàng ngàn người đã tới nghe bà kể trực tiếp về câu chuyện của con trai mình. Bà vẫn tiếp tục hoạt động, kêu gọi chống lại nạn phân biệt chủng tộc và dân quyền cho tới khi qua đời vào năm 2003.
2. Bục huy chương Olympic 1968
Thế vận hội mùa hè Olympic 1968 được cả thế giới nhớ về bởi một trong những sự kiện làm chấn động làng thể thao khi ấy: “Lời chào của quyền lực đen”.
Hình ảnh nhà vô địch da đen Tommie Smith.
Sáng 16/10/1968, tại nội dung điền kinh 200m nam, vận động viên người Mỹ gốc Phi Tommie Smith đã lập kỷ lục thế giới mới với thành tích 19,83 giây. Về sau anh là vận động viên Australia - Peter Norman và người đồng hương John Carlos.
Bức ảnh chụp lại khoảnh khắc không thể phai tại Olympic 1968.
Bước lên bục nhận giải, cả 3 vận động viên đều mặc áo khoác mang phù hiệu của Dự án Olympic về nhân quyền (OPHR). Đặc biệt là Tommie và John, cả hai đều không đi giày, họ mang găng tay đen, tất đen, quấn khăn cổ màu đen, biểu trưng cho màu da của họ, cho những người da đen nghèo khổ, công nhân bị áp bức, bóc lột và bị giết hại. Khi quốc ca Mỹ vang lên chúc mừng nhà vô địch Tommie, cả 2 vận động viên này đã giơ nắm đấm lên trời cho tới khi kết thúc nhạc hiệu.
Khi rời khỏi bục nhận giải, cả Tommie và John bị khán giả và đám đông la ó. Khi ấy, Tommie đã nói: “Nếu tôi thắng, người ta sẽ nói tôi là người Mỹ. Nhưng nếu hôm nay tôi thua, họ sẽ nói tôi là người Mỹ gốc Phi. Chúng tôi là người da đen và tự hào về màu da của mình. Người Mỹ gốc Phi sẽ hiểu những gì chúng tôi đã làm tối nay”.
Hành động của Tommie và John sau đó đã gây chấn động cả thế giới. Thời điểm ấy, họ bị trục xuất khỏi Olympic vì bị nhiều người chỉ trích, thậm chí gia đình và người thân bị đe dọa giết chết. Số phận của hai nhân vật này sau đó dần chìm vào quên lãng theo thời gian.
Tượng của Tommie và John được tạc tại trường ĐH San Jose State.
Song, những dư âm của sự kiện hôm ấy có một giá trị vô cùng to lớn cho tới tận ngày nay. Năm 2013, chính trang web chính thức của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã đưa tin rằng: “Hơn cả chiến thắng về mặt huy chương, họ đã lưu danh tên mình bằng một hành động phản đối phân biệt chủng tộc”.
Hình ảnh của 2 vận động viên người Mỹ da đen, cùng với chàng vận động viên người Úc ủng hộ họ đã trở thành chủ đề cho một số phim tài liệu, tranh tường và tượng điêu khắc ở San Jose, Sydney…
3. Một người da đen bênh vực một người da trắng
Năm 1996, cô gái trẻ da đen Keshia Thomas đã xả thân bảo vệ một người đàn ông da trắng khỏi việc bị đám đông giận dữ hành hình vì nghĩ anh ta ủng hộ phong trào phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan.
Ku Klux Klan (3K hay KKK) là một trong vài tổ chức cực hữu khét tiếng ở Mỹ, ủng hộ thuyết người da trắng là ưu việt. Họ có bề ngoài dễ nhận biết với áo khoác trắng và mũ trùm đầu hình nón.
Vào ngày 22/6/1996, nhóm 3K tổ chức một cuộc tuần hành ở Michigan. Rất nhiều người đã ra đường để chống đối lại tổ chức này. Bất giác, tình hình trở nên mất kiểm soát khi một người phụ nữ cầm loa phóng thanh hét to: "Có một gã 3K trong đám đông". Những người có mặt lập tức quay lại nhìn và thấy một người đàn ông da trắng, trung tuổi, đang cố bước ra xa khỏi đám đông.
Không rõ người đàn ông kia có mang tư tưởng ủng hộ 3K hay không, nhưng bộ quần áo ông mặc có hình lá cờ Liên minh các bang miền Nam Hoa Kỳ - đại diện cho sự thù ghét, phân biệt chủng tộc và những hình xăm trên người lại đại diện cho thứ mà đám đông đang chống lại.
Thomas lao thân mình che chở cho người đàn ông cô không quen biết đang bị đám đông đe dọa.
Người đàn ông đi nhanh hơn, cố thoát khỏi đám đông nhưng ông nhanh chóng bị xô ngã xuống đất. Nhiều người lao vào đá, đánh ông bằng cây gậy gỗ. Không chần chừ, cô gái da đen 18 tuổi Keshia Thomas lao thân mình che chở cho người đàn ông mà cô không quen biết, chắn cho ông ta khỏi bị đám đông đánh đập tới chết.
Sau này, Thomas có chia sẻ: "Khi ông ấy ngã xuống đất, cảm giác giống như có 2 thiên thần đã nhấc bổng tôi lên và đặt cơ thể tôi lên người ông ấy". Với Thomas, đó là từ những trải nghiệm mang tính cá nhân của bản thân. Cô cũng nói thêm rằng, "Tôi biết cảm giác nhận được sẽ rất đau đớn nhưng rất nhiều lần khi chuyện đó xảy ra với tôi, tôi đã mong ước có ai đó đứng lên bảo vệ mình".
Hành động Thomas xả thân bảo vệ người đàn ông da trắng thể hiện rằng, dù mang quốc tịch, màu da nào thì ai trong số chúng ta cũng đều là con người - được hưởng quyền bình đẳng như tất cả mọi người trên thế giới này.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: BBC, Socialist Worker, Wikipedia...
Bạn có thể xem thêm: