Nếu là fan của các bộ phim giả tưởng như Hulk, Spiderman, X-men, chắc hẳn bạn không mấy xa lạ với những hình ảnh sinh vật đột biến gene sở hữu sức mạnh phi thường.
Nhiều người cho rằng, những sinh vật này chỉ trên màn ảnh nhỏ hay truyện tranh. Tuy nhiên trong thực tế vẫn tồn tại một số trường hợp "đột biến" như vậy mà điển hình là những cá thể
chuột khổng lồ.
Những tin đồn hay câu chuyện có thật về “chuột khổng lồ”
Những tin đồn đầu tiên về loài chuột khổng lồ xuất hiện tại khu vực nhiễm phóng xạ do thảm họa Chernobyl gây ra. Ngày 26/04/1986, một vụ nổ hạt nhân đã xảy ra tại nhà máy hạt nhân Chernobyl, Ukraine gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu vực xung quanh.
Sau hàng chục năm, phóng xạ rò rỉ từ nhà máy được cho là nguyên nhân gây ra sự đột biến cho rất nhiều sinh vật sống trong khu vực này, trong đó có loài chuột.
Thảm họa Chernobyl là khởi nguồn của những lời đồn thổi.
Hệ quả là theo đó, một số lượng không nhỏ các cá thể chuột được cho rằng trở nên to lớn, hung dữ bất thường. Nhiều câu chuyện đồn thổi thuật lại rằng đã có một nhóm các nhà nghiên cứu tới khu vực này trong thập niên 1990 khám phá và bị các “quái thú” này tấn công rồi ăn thịt. Sau đó, chính quyền địa phương đã phải sử dụng quân đội để tiễu trừ những cá thể chuột khổng lồ này.
Trong khi câu chuyện trên còn chưa được xác minh thì một số sự kiện khác diễn ra làm mối lo ngại của dư luận cùng các chuyên gia tăng cao xung quanh vấn đề “chuột khổng lồ”. Điển hình là trường hợp của cơ sở hạt nhân đã bị đóng cửa Hanford, Mỹ.
Đây là nhà máy hạt nhân ô nhiễm vào hàng bậc nhất thế giới với mức độ phóng xa lên tới 8.900 rad/giờ - nguy hiểm gấp 10 lần mức có thể gây chết người nếu tiếp xúc.
Theo tờ Tri-City Herald năm 2010, các công nhân nhà máy này đã tìm ra phân chuột chứa phóng xạ xung quanh khu vực nhà máy nhưng lại không bắt được một cá thể chuột nào. Câu chuyện về việc có tồn tại hay không loài siêu chuột lại một lần nữa dấy lên trong dư luận.
Mới đây nhất, khi nạn dịch chuột đang hoành hành tại một số thành phố của Vương quốc Anh như Liverpool thì tại thị trấn Crossgar (Ireland) chuột khổng lồ đã thực sự xuất hiện.
Một chú chuột khổng lồ khác bị "tóm" ở Liverpool.
Anh Se McKendry đã phát hiện 1 đàn chuột khổng lồ khoảng 15 con trú ẩn ngay trên mái nhà mình. Theo ước tính, kích thước mỗi cá thể chuột này lên tới 45 - 50cm. Điều đáng lo ngại hơn là những chú chuột này khá hung hãn.
Con chuột bị anh Se McKendry bắt to gần bằng con chó nhà.
Theo chia sẻ của anh Se McKendry, đàn chuột này cực kì dữ, chúng không sợ mèo, sẵn sàng cắn anh khi bị bắt. Chỉ sau khi có sự can thiệp của các cơ quan chức năng thì nhà anh mới được an toàn.
Đi tìm nguyên nhân khiến chuột đột biến thành khổng lồ…
Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra nhằm lý giải cho hiện tượng chuột khổng lồ. Nhiều người cho rằng, chính phóng xạ rò rỉ từ các nhà máy hạt nhân đã khiến một số cá thể chuột biến đổi gene, trở nên to lớn, hung dữ hơn. Thực tế cho tới nay, chúng ta vẫn chưa tìm được bằng chứng xác đáng cho nhận định trên. Tuy nhiên, xét về lý thuyết, điều này không phải không có căn cứ.
Một bài báo trên Tạp chí Nature năm 1997 công bố rằng, ta hoàn toàn có thể tăng sức mạnh, khối lượng cơ xương ở chuột nếu kích thích việc sản xuất insunlin trong các sợi cơ của loài này.
Không có điều gì là không thể trong phòng thí nghiệm.
Hay như giáo sư hóa sinh Richard W. Hanson tại ĐH Case Western Reserve (Mỹ) và cộng sự đã tạo ra được một loài “siêu chuột” nhờ biến đổi gene. Chúng có nồng độ enzyme PEPCK-C trong cơ bắp cao hơn 100 lần so với chuột thông thường.
Hệ quả là loài này sở hữu một sức mạnh phi thường: không cần ăn uống vẫn có thể chạy trong 4 - 5 giờ, sống lâu tới 3 năm tuổi, khỏe gấp 10 lần chuột nhà, ăn lượng thức ăn gấp đôi nhưng trọng lượng chỉ bằng nửa chuột thường và cực kỳ hung dữ.
Chú chuột có kích thước khổng lồ ít ai ngờ tới...
Tuy nhiên, giả thuyết phóng xạ có lẽ khó giải thích cho câu chuyện xảy ra tại nhà anh Se McKendry. Theo một số chuyên gia thú y trả lời phỏng vấn tờ Guardian, thực ra chuột ăn thịt người đã tồn tại từ Thế chiến I khi người ta phát hiện loài này ăn các xác chết trên chiến trường.
Sở dĩ những con chuột có kích thước lớn tới 50cm là bởi chúng ăn quá nhiều chất đạm, chất béo trong đồ ăn con người thải ra trong thùng rác mà thôi. Các chuyên gia này cũng trấn an dư luận rằng, những cá thể chuột này cũng giống chuột thường, sẽ không ăn thịt người mà chỉ phá phách mà thôi.
Song, tất cả vẫn chỉ là giả thuyết. Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng đi tìm lời giải thực sự cho những "đột biến" ở loài chuột này.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: The Guardian, BBC, CNN, Tri-city Herald...
Bạn có thể tham khảo thêm: