Như đã đưa tin, ngày 25/4, một trận
động đất ở phía tây bắc Katmandu, Nepal với cường độ 7,9 độ Richter đã tạo ra một thảm họa khủng khiếp, khiến hơn 1.800 người thiệt mạng và nhiều cơ sở vật chất bị phá hoại.
Ngay lập tức, giới khoa học và các chuyên gia địa chất đã vào cuộc để tìm ra nguyên nhân. Trong vòng chưa đầy 24 giờ, họ đã xác định được thủ phạm: theo đó, dư âm từ một vụ va chạm giữa hai mảng địa chất thời cổ đại chính là nguồn gốc sâu xa dẫn đến trận động đất kinh hoàng tại Nepal ngày hôm qua.
Cách đây 25 triệu năm, Ấn Độ từng là một hòn đảo nằm riêng biệt trên Ấn Độ Dương. Sau đó, hòn đảo này ngày càng có xu hướng trôi dạt về phía đất liền và đã va chạm với lục địa châu Á. Cho tới nay, tốc độ va chạm giữa hai vùng đất vẫn đang ở mức 3-4 cm/năm. Sự va đập nói trên đã tạo ra một lực khủng khiếp, góp phần hình thành những dãy núi hùng vĩ và cả những trận động đất cường độ cao.
Sơ đồ các mảng địa chất thời cổ đại
Căn cứ trên bản đồ thế giới, Nepal nằm ở vị trí nơi xảy ra sự va đập của các mảng địa chất. Chính vì vậy, sự xuất hiện của những cơn địa chấn với độ rung lắc mạnh cũng không phải là một sự kiện quá lạ lẫm với quốc gia này. Nói cách khác thì trận động đất ngày 25/4 có thể coi là "thảm họa được báo trước".
Vị trí của Nepal trên bản đồ thế giới
Bên cạnh đó, một nguyên nhân gây nên thảm họa nói trên, đó là sự lỏng lẻo trong khâu thiết kế của các tòa nhà tại quốc gia này. Theo đó, nhà cửa và hạ tầng của Nepal không đủ để chống chọi lại với những cơn động đất lớn tới vậy.
Thiết kế không chắc chắn đã khiến cho nhiều tòa nhà nhanh chóng sụp đổ trong địa chấn
Tuy nhiên, ngược dòng lịch sử ta sẽ thấy đó chưa phải là thảm họa động đất lớn nhất tại Nepal. Năm 1934, một trận động đất được ghi nhận 8,1 độ Richter tại miền đông Nepal đã khiến 10.000 người thiệt mạng. Các chuyên gia cho rằng với điều kiện dân số như hiện nay, trận động đất năm 1934 có thể sẽ gây thiệt hại lớn hơn, cướp đi sinh mạng của 40.000 người.
Nguồn: The New York Times