Ngày 25 tháng 7 vừa rồi, tại bãi biển Cửa Lò, Nghệ An đã xảy ra hiện tượng lạ: Một cơn gió lốc cuốn theo cát xuất hiện ngay trên khu vực bãi biển đông người. Cơn gió lốc bất ngờ này đã kéo một số người ra biển và gây thiệt mạng cho 2 người.
Người ta gọi hiện tượng này là "Lốc Cát". Cùng tìm hiểu xem loại lốc này nguy hiểm đến mức nào nhé
Khái niệm
Lốc cát, còn được gọi là quỷ cát, một loại lốc mạnh, được cấu thành chặt chẽ và tồn tại trong thời gian dài, có thể có kích cỡ khá nhỏ (cao vài mét và rộng nửa mét) cho tới rất lớn (cao 1000 mét và rộng hơn 10 mét).
Trên trái đất, lốc cát thường là vô hại. Nhưng một cơn lốc lớn có thể gây thiệt hại lớn về cả người và của.
Lốc cát thường làm cho người ta nhớ tới những cơn bão vì bên ngoài thì cả hai đều là những cột xoáy rất mạnh. Tuy nhiên, lốc cát thường được hình thành dưới trời nắng trong điều kiện thời tiết ổn định và rất hiếm khi chúng đạt được sức mạnh như những cơn bão.
Tên gọi
Ở những đất nước khác nhau người ta đặt cho lốc cát những cái tên khác nhau theo tiếng địa phương. Tuy nhiên, quan điểm nhìn nhận về lốc cát là khá tương đồng. Ví dụ, ở các bang Tây nam Hoa Kỳ người ta gọi lốc cát là “con quỷ nhảy múa” (dancing devil) hoặc “con quỷ mặt trời” (sun devil). Tại Thung Lũng Chết ở California người ta gọi lốc cát là “mũi khoan cát” (sand auger). Tại những đất nước Ả rập , nơi mà lốc cát có thể cao tới hàng trăm mét, người ta gọi chúng là “quỷ dữ” (djin).
Sự hình thành
Lốc cát thường được tạo thành khi không khí nóng gần mặt đất đi lên rất nhanh xuyên qua một vùng không khí lạnh, áp suất thấp bên trên nó. Nếu các điều kiện trở nên lý tưởng, khối khí sẽ bắt đầu quay. Khi không khí đi lên rất nhanh, cột khí nóng bị kéo dãn ra tới cực điểm, tạo nên hiệu ứng xoay tròn rất mạnh.
Cả bão và lốc cát được tạo thành đều là sự tập trung của các luồng xoáy mạnh. Luồng xoáy gốc là luồng xoáy quanh trục thẳng đứng của cơn lốc. Tốc độ của luồng xoáy ở tâm luôn là cao nhất. Theo định luật Bernoulli, điều này đồng nghĩa với việc áp suất không khí ở đây phải là thấp nhất. Một gradient áp suất xuất hiện hướng vào tâm của luồng xoáy. Gradient này, kết hợp với tốc độ chậm của dòng khí ở bề mặt trái đất, tạo nên một luồng thứ hai hướng thẳng vào tâm của cơn lốc.
Luồng thứ hai làm cho khí nóng, theo chiều ngang. đi vào trong phần đáy của cơn lốc xoáy vừa mới được tạo thành. Ngày càng nhiều khí nóng đi vào trong để thay thế cho phần không khí đang đi dần lên trên, cơn lốc càng lớn dần và độ xoáy càng mạnh.
Khi một cơn lốc cát được tạo thành đầy đủ, nó sẽ trông giống như một ống khói hình phễu mà qua đó những luồng khí nóng di chuyển liên tục. Càng lên cao thì khí nóng càng bị nguội dần và mất đi sức mạnh của nó. Khí nóng được thay thế bằng không khí từ bên ngoài tâm của cơn lốc. Cứ như vậy, cơn lốc được duy trì.
Hiệu ứng quay, cộng với sự ma sát với mặt đất tạo ra một động lượng giúp lốc cát tiến về phía trước. Cơn lốc có khả năng di chuyển xa hơn nhờ việc tiếp xúc với các luồng khí nóng ở bề mặt nó đi qua.
Cường độ và thời gian tồn tại
Trên trái đất, những cơn lốc cát có kích thước khá nhỏ (khoảng 0.9 mét đường kính) và di chuyển với tốc độ chỉ khoảng 70 km/h. Thường thì chúng biến mất sau một giờ thậm chí chỉ vài phút sau khi hình thành. Rất hiếm khi lốc cát có thể phát triển và đạt tới đường kính 90 mét và tốc độ lên đến 100 km/h.
Thiệt hại
Thường thì lốc cát không gây thiệt hại nặng. Tuy nhiên một số cơn lốc cát lớn có gây nên thiệt hại nặng thậm chí gây chết người.
Ngày 19 tháng 5 năm 2003, một cơn lốc cát thổi bay một tòa nhà hai tầng tại thị trấn Lebanon, bang Maine của Hoa Kỳ, gây ra cái chết cho một người đàn ông bên trong.
Ngày 18 tháng 6 năm 2008, một cơn lốc cát gần thành phố Casper, bang Wyoming đã giết chết một phụ nữ.
Mới đây vào ngày 25 tháng 7 năm 2010, lốc cát đã xuất hiện ở bãi biển Cửa Lò, Nghệ An, Việt Nam và cuốn chết 2 người.
Clip một vụ lốc cát xảy ra ở Mỹ.