Tháng trước, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự cô đơn có thể gây hại tới sức khỏe của con người. Hôm qua (31/1), một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng những người không lập gia đình có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn những người đã lập gia đình.
Xuất bản trên tạp chí Phòng chống Bệnh tim mạch (European Journal of Cardiology Preventive), nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa sự độc thân và bệnh tim mạch, không liên quan tới tuổi tác.
Khảo sát được thực hiện tại Phần Lan với số liệu lấy từ những người trên 35 tuổi trong vòng 10 năm (1993 - 2002). Ghi nhận cho thấy, có 15.330 trường hợp có "sự cố" về tim mạch, trong đó 50% trường hợp bị tử vong trong vòng 28 ngày.
Các nhà nghiên cứu đã thống kê được rằng tỷ lệ biến cố tim mạch ở đàn ông độc thân cao hơn đàn ông lập gia đình từ 58 - 66%. Ở phụ nữ, người không lập gia đình có tỷ lệ biến cố tim mạch cao hơn người đã lấy chồng từ 60 - 65%.
Thêm vào đó, người độc thân còn có tỷ lệ tử vong do bệnh tim trong vòng 28 ngày cao hơn người đã lập gia đình. Ở khảo sát này, đàn ông độc thân có khả năng tử vong cao hơn người đã lập gia đình từ 60 - 168%, trong khi tỷ lệ đó ở phụ nữ độc thân từ 71 - 175%.
Giải thích về tỷ lệ này, các nhà nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa cuộc sống độc thân và nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
Họ cũng nhận thấy rằng, người có gia đình thường có thói quen sức khỏe tốt hơn, có nhiều sự hỗ trợ và khả năng tài chính tốt hơn những người đơn thân. Sống "có cặp đôi" giúp việc phát hiện bệnh, cấp cứu dễ dàng hơn, từ đó cho phép can thiệp y tế kịp thời hơn.
Mặt khác, nhóm nghiên cứu cũng không loại trừ trường hợp những người có sức khỏe kém (do đó có thể mắc phải các biên chứng tim mạch) thường có nhiều khả năng sống độc thân hoặc đã li dị.
(Nguồn tham khảo: Livescience)