Thời điểm những năm 1960 có thể xem là một giai đoạn khá phát triển của đất nước Afghanistan. Đó là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao quyền lực của hai nhà cầm quyền Zahir Shar và Daud Khan.
Đây cũng là khoảng thời gian mà đất nước Hồi giáo này có cơ hội để trở mình, tiến lên và phát triển nhờ vào sự “trợ giúp” từ nước ngoài. Với vị trí địa lý được xem như một giao lộ của mình, tùy từng trường hợp có thể xem Afghanistan là nước Trung Á, Tây Á hoặc Trung Đông. Afghanistan có đường biên giới dài với Pakistan ở phía Nam và phía Đông, Iran ở phía Tây, Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan ở phía Bắc...
Với một vị trí đắc địa như thế, không khó hiểu khi vào thời điểm 1960 - đang diễn ra Chiến tranh Lạnh, Afghanistan được đầu tư mạnh mẽ bởi các nước của cả hai phe đối lập, đặc biệt là Nga (khi này là Liên Xô) và Mỹ với đường sá, phương tiện, máy móc và trang thiết bị…
Chúng ta hãy cùng xem những bức ảnh ghi lại hình ảnh của một Afghanistan yên bình khi xưa. Những bức ảnh này được ghi lại bởi tiến sĩ William Podlich khi ông tạm rời bỏ công việc ở ĐH Arizona (Mỹ) đến với đất nước xa xôi này trong một sứ mệnh của UNESCO - đảm nhiệm việc dạy học tại ĐH Sư phạm, thủ đô Kabul.
Ắt hẳn, bạn sẽ ngạc nhiên nếu so sánh với bối cảnh của Afghanistan thời hiện đại...
Khung cảnh ngoạn mục ở đèo Kabul, hay người dân địa phương thường gọi là Tang-i-Gharoo. Đoạn xa lộ này là con đường huyết mạch kết nối Kabul với thành phố Jalalabad.
Quang cảnh trang nghiêm và im ắng trước cung điện nhà vua.
Một trạm xăng bên đường, phía xa khung cảnh nơi đây vẫn còn hoang sơ, vắng vẻ.
Hình ảnh đường hầm Salang xuyên qua núi Hindu Kush, được đặt tại tỉnh Parwan, cầu nối giữa phía Nam và phía Bắc Afghanistan. Đường hầm được xây dựng bởi Liên Xô và khánh thành vào năm 1964.
Khu vực King’s Hill tại vườn Paghman. Nơi đây có lẽ là điểm nhấn rõ nét nhất của một đất nước Afghanistan khi còn yên bình, chưa có chiến tranh. Nơi này giờ đây đã bị phá hủy hoàn toàn sau nhiều cuộc chiến ác liệt.
Hình ảnh ngôi đền thờ Masjid Shah-e-do Shamsheera ở thủ đô Kabul.
Hoa văn bằng đá được chạm khắc hết sức công phu trên mái vòm một đền thờ.
Hai thanh niên Afghanistan trên đường đi làm về. Tuy khung cảnh hai bên đường còn hoang sơ, nhưng vệ đường luôn được trồng hoa với nhiều màu sắc.
Hình ảnh một khu dân cư trên đồi ở thủ đô Kabul. Có thể so sánh nơi này với thủ đô Denver của Colorado hoặc Arizona ở cùng thời điểm do những tương đồng về cảnh quan cũng như khí hậu.
Thú vui của những thanh niên ở Afghanistan lúc bấy giờ là được quây quần, chia nhau tách trà và cùng ca hát.
Những người công nhân Afghanistan đang sửa lại đoạn đường bị hỏng.
Cảnh tắm sông của các cậu bé Afghanistan tại sông Kabul.
Những gia đình Afghanistan vào thời điểm đó dù không hẳn có cuộc sống sung túc, nhưng ít ra, họ cũng được sống trong hòa bình.
Mặc dù điều kiện
vật chất có thiếu thốn nhưng giáo dục ở Afghanistan thời điểm này được chú trọng. Tiết học vẫn có rất đông học sinh tham gia dù bảng viết sơ
sài và tường chỉ được đắp bằng bùn.
Các em học sinh tại một trường tiểu học đang nhảy múa dưới sân trường trong tiết học nhạc.
Bức ảnh chụp đồng nghiệp Bahir (bên trái)
của tiến sĩ Podlich và một giáo viên người Afghanistan. Nơi tiến sĩ
Podlich giảng dạy sẽ đào tạo ra các giáo viên dạy bậc đại học.
Những nữ sinh
đang từ trường về nhà. Thời điểm này, phụ nữ Afghanistan cũng như nam
giới, được phép theo học ở tất cả các cấp học, kể cả đại học.
Bãi đỗ xe tại trường quốc tế Kabul (American International School of Kabul - AISK). Ngôi trường đã từ lâu không còn tồn tại nhưng những cựu học sinh vẫn giữ liên lạc. Cứ vài năm, họ lại tổ chức một cuộc họp mặt tại các thành phố khác nhau trên khắp nước Mỹ.
Quân đội Afghanistan diễu hành trên đường.
Dàn nhạc công quân đội Afghanistan.
Lễ hội mừng năm mới ở Afghanistan diễn ra cũng vô cùng náo nhiệt, đường phố chật kín người, những hoạt động buôn bán diễn ra tấp nập.
Bánh chiên jilabee - món bánh tráng miệng có vị ngọt.
Quầy bán kebab - món ăn truyền thống của các nước ở khu vực Trung Á, tại chợ ở Kabul.
Những người đàn ông Afghanistan đang ngồi nghỉ trong bóng râm. Phía xa là làng Istalif, cách thủ đô Kabul 30km về phía Tây Bắc. Làng này từ nhiều thế kỷ là nơi làm gốm nổi tiếng và cũng là địa điểm du lịch. Nhưng giờ đây, chúng đã bị phá hủy hoàn toàn qua nhiều cuộc chiến.
Một bức tượng Phật tại thung lũng Bamiyan - Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Hai bức tượng lớn nhất tại đây đã bị phá hủy bởi quân đội Taliban vào năm 2001.