Nghề bắt đỉa, gõ mõ, đuổi chó... chỉ có ở thời xưa

Jeanny, Theo 00:00 27/08/2011

Bên cạnh đó, làm thợ hồ len sợi và thuộc da cũng được xếp vào những nghề "kiếm cơm" vô cùng kì cục thời xưa đấy!

phần trước, các bạn đã được "nghía" qua 5 trong 10 công việc kì lạ nhất trong lịch sử. Trong kì này, hãy cùng tìm hiểu về 5 nghề cũng "thú vị" không kém mà chắc hẳn các bạn sẽ tròn mắt ngạc nhiên đó! 
 
1. Người đi bắt đỉa


Đỉa được coi là một phương pháp chữa bệnh phổ biến tại khắp châu Âu thời xưa. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì cần một số lượng lớn đỉa và nghề bắt đỉa cũng từ đó ra đời. 

Cách duy nhất để bắt được loài sinh vật bé nhỏ nhưng "ham hút máu" này là phải để chúng bám vào người. Một số người dùng xác của gia cầm; tuy nhiên, đa số người làm nghề này phải dùng chân trần để “nhử mồi” lũ đỉa. Họ phải lội qua những đầm lầy nước bẩn thỉu, cho lũ đỉa bám vào chân mình rồi chờ đến khi chúng hút no máu thì sẽ tự tách ra và lúc đó thì họ mới nhặt và bắt chúng được. Nếu cố tìm cách để dứt chúng ra thì răng của con đỉa sẽ đứt, khiến chúng trở nên vô giá trị và vết thương thì càng nặng hơn. 

Và vì đó không phải là công việc "ngày một ngày hai" nên ta có thể đủ biết mức độ khủng khiếp của nó là như thế nào.

2. Người gõ mõ


Việc đi đánh thức mọi người vào mỗi buổi sáng sớm được xem là một công việc thực sự tại Anh và Ailen trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp. Khi đó, công nhân phải làm việc mười mấy tiếng một ngày, đi làm từ sáng sớm và về lúc tối mịt. Họ rất cần một người chuyên đánh thức họ dậy vào buổi sáng để đi làm đúng giờ vì đồng hồ là một thứ rất xa xỉ với những người lao động nghèo. 

Sáng nào cũng vậy, người gõ mõ sẽ đi dạo một vòng quanh các khu phố, gõ cửa sổ từng nhà bằng một một chiếc gậy tre dài để đánh thức họ. Bù lại là một khoản lương chừng vài pence cho một tuần làm việc.  
 
3. Người đuổi chó


Đây là việc của nhân viên nhà thờ tại nhiều vùng của châu Âu trong suốt thế kỷ 16 và 19 - khi mà người ta thường đem theo cả chó đến những buổi lễ nhà thờ. Người làm nghề này được trang bị chiếc roi hoặc chiếc gậy gỗ để đuổi những chú chó quấy rối ra khỏi nhà thờ, đảm bảo cho buổi lễ được diễn ra suôn sẻ. Đến khi chiếc cũi nhốt chó trở nên phổ biến thì công việc này cũng theo đó mà biến mất.

4. Thợ hồ len sợi


Khi mà len và lông cừu là những vật liệu dùng để làm quần áo phổ biến nhất vào thời La Mã cổ đại thì hồ len sợi là một công việc phổ biến. Những cuộn len trước khi sử dụng phải được tẩy trắng và làm sạch để loại bỏ dầu cùng các tạp chất khác. 

Và khi khoa học chưa phát triển để tìm ra những chất tẩy rửa an toàn thì công cụ đắc lực để làm điều đó chính là nước tiểu. Người ta phải giẫm chân lên đống len được ngâm trong một chậu lớn chứa nước tiểu, đôi khi lại có thêm những hóa chất nguy hiểm khác như vôi trong hàng giờ liền. Người làm công việc này đa số là nô lệ và đây được xem như một thứ việc “hạ tiện” vô cùng.
 
5. Thợ thuộc da


Trong nhiều thế kỷ, công việc của người thợ thuộc da bị khinh rẻ tại khắp nơi trên thế giới mặc dù nó góp phần hết sức quan trọng trong cuộc sống. 

Tại Ấn Độ, chỉ có những người dân hèn kém nhất mới làm công việc này còn tại khắp châu Âu thì người làm nghề này bị buộc phải sống ở bên ngoài thành phố. Nguyên do cũng chỉ vì mùi hôi thối bốc ra trong quá trình làm việc.

Sau khi giết mổ, những miếng da thú vẫn còn đẫm máu phải được ngâm trong nước để loại bỏ chất cặn bã dính trên da. Sau đó, người ta cạo lông rồi ngâm chúng trong một bể nước và phân trộn lẫn, rồi nhào nặn miếng da để làm mềm trong hàng giờ đồng hồ liền. Chịu đựng thứ mùi hôi thối bốc lên hàng ngày cũng đủ để thấy những người làm nghề này có tinh thần thép đến mức độ nào.