Yêu thích hội họa và bắt đầu vẽ từ khi còn rất nhỏ, họa sĩ người Canada - Robert Gonsalves luôn theo đuổi, sáng tạo ra những bức vẽ
nghệ thuật đa chiều phức tạp.
Chính việc sử dụng hình khối, phối màu cùng cách vận dụng quy luật ánh sáng trong nghệ thuật vẽ tranh biến hóa (metamorphic art) đã khiến cho người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Dường như bức tranh của tác giả không còn tĩnh nữa mà chuyển động không ngừng.
Mỗi bức
tranh vẽ của Gonsalves lại mang một câu chuyện riêng vô cùng độc đáo, nhưng ranh giới giữa các câu chuyện lại không thực rõ ràng. Người xem phải nhìn đi nhìn lại, so sánh các chi tiết, màu sắc, không gian khiến họ cảm tưởng như bức hình đang "động đậy" theo mắt nhìn.
Nghệ thuật biến hóa (Metamorphic art) là việc người họa sĩ sử dụng kỹ thuật vẽ chồng hoặc đan cài nhiều hình ảnh, khiến người xem hình dung ra một bức vẽ theo nhiều cách khác nhau.
Hàng cột đá hay đoàn thuyền đang căng buồm giữa biển? Những cậu bé này liệu có biệt tài đi xe đạp trên... tán cây.
Trong mỗi bức vẽ đều tồn tại hai phần chính: phần "nổi" và phần "chìm". Nhưng những chi tiết tại mỗi phần được lồng ghép với nhau một cách hài hòa, đầy ẩn ý.
Đây đơn thuần là thác nước hay suối tóc của những "nàng tiên".
Bạn có thể dễ dàng nhận ra phần "nổi" của bức hình bởi với mục đích gây ấn tượng mạnh với mắt, chúng được vẽ lớn hơn, rõ ràng cùng màu sắc nổi bật.
Phải chăng cô gái này đang bay lượn trên cánh đồng xanh ngát nhìn từ không trung? Bạn đang lững lờ thả hồn mình trên dòng sông, phóng tầm mắt lên bầu trời hay đang lơ lửng trong không gian rộng lớn?
Phần "chìm" sẽ được ghi dấu mờ nhạt, trừu tượng hơn. Thoạt nhìn bạn sẽ dễ dàng bỏ qua chi tiết nhỏ, chỉ khi chăm chú nhìn vào đó, bạn mới nhận ra được sự tinh tế, chấm phá trong mỗi bức hình.
Để cho ra đời những bức tranh biến hóa này, tác giả đã lợi dụng một số quy luật thị giác.
Bạn nhìn thấy những tòa nhà chọc trời hiện lên giữa bầu trời đêm hay tấm rèm bị cắt bên khung cửa sổ?
Thông thường, chúng ta nhận diện mọi sự vật xung quanh không chỉ bằng mắt mà bằng cả não bộ (trí nhớ). Đó là lý do vì sao ta có thể nhận ra một sự vật ngay cả khi không nhìn thấy toàn bộ vật đó.
Những cánh buồm no gió trên bầu trời hay cánh buồm giương cánh giữa biển khơi?
Màu sắc cũng giúp tạo hiệu ứng đánh lừa bởi mắt người dễ dàng bị thu hút bởi những gam màu sáng hơn.
Đường ray Glenfinnan với 21 màn vòm nổi tiếng ở cao nguyên Scotland hay sự "xếp hình" độc đáo của những vận động viên?
Cùng với sự sáng tạo, tinh tế, tác giả đã cho ra đời những bức tranh biến hóa khiến người xem tò mò, thán phục.
Bàn cờ làm từ tuyết trắng và những tán cây còn quân cờ lại được "phù phép" từ những tòa tháp cổ.
Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác sưởi ấm bên lò sưởi bên rừng cây?
Có lẽ chính bởi sự "hại não" đó mà nhiều người cho rằng, thưởng thức tranh metamorphic giống như việc bạn đang trải qua một bài test về độ tinh mắt của người xem.
Những cánh chim hải âu "biến hình" thành cơn sóng bạc đầu.
Kia là hình dãy cây thông đổ bóng xuống sông hay cô gái trong bộ quần áo trắng đang đi xuyên rừng trong đêm tối. Nguồn: Borepanda, Robert Gonsalves