Ngắm thú ăn thịt lớn nhất hành tinh, ong hút nước mắt người

Lê Giang, Theo Mask Online 11:03 06/05/2012
Chia sẻ

Cùng các cập nhật: Cây cối cũng biết "tình tự"; lũ lụt, hạn hán sẽ tấn công dồn dập hơn ở Đông Nam Á...


Ngắm loài thú ăn thịt lớn nhất hành tinh


Trong Vườn Bách thú Saint Felicien, Quebec (Canada) có những chú gấu trắng rất thích đằm mình dưới nước. Chúng là dân cư của Bắc Cực, được biết tới là loài ăn thịt lớn nhất hành tinh. Chúng tuy nặng nề thế nhưng bơi và lặn rất giỏi, khéo léo trèo lên những mỏm đá nổi trên mặt biển hay các tảng băng trôi.

Tại Vườn thú Saint Felicien có một chú gấu trắng khổng lồ nhưng rất dễ thương.

Chú là một tay bơi lội cừ khôi, có khả năng bơi 50 - 60km. Chân chú có những màng da, nối giữa các ngón. Bộ lông dày và đặc sít khiến chú chẳng bao giờ bị lạnh và thấm nước vào da dù có ngâm mình hàng giờ.

Lông gấu trắng không có sắc tố, bên trong các sợi lông đều rỗng. Những sợi lông nửa trong suốt để tia từ ngoại có thể đi qua biến bộ lông gấu trắng thành tấm áo cách nhiệt tuyệt vời.

Chụp ảnh gấu trắng bằng tia tử ngoại thấy màu lông chúng sẫm lại. Đó là do cấu tạo, đôi khi lông gấu trắng ngả sang màu lá cây nhạt.

Nuôi nhốt tại các vườn thú, gấu trắng sống được 30 năm, nhưng sống tự do, cuộc đời chúng ngắn ngủi hơn. Do đó, nuôi nhốt tại các vườn thú là một cách bổ sung số lượng quần thể cho loài vật này. 

Hiện nay trên toàn thế giới chỉ còn từ 21.000 đến 25.000 con gấu trắng, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia đến năm 2050 con số này chỉ còn 2/3. Sở dĩ số lượng gấu trắng giảm là do thay đổi thời tiết, nạn săn trộm và ô nhiễm môi trường tại Bắc Cực.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet/ Telegraph)

Đông Nam Á: Lũ lụt, hạn hán sẽ tấn công dồn dập hơn


Biến đổi khí hậu sẽ khiến lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn tại Đông Nam Á, đe dọa hoạt động trồng lúa và cuộc sống của hàng chục triệu người. Hơn 30% dân số thế giới đang sống tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Khoảng một nửa số người này sống bằng hoạt động trồng lúa và những loại cây lương thực khác. Tuy nhiên, Ngân hàng thế giới (WB) dự đoán biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 10 - 50% sản lượng nông nghiệp trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong 30 năm tới.

Một trận lũ ở Thái Lan vào năm 2011.

Liên Hợp Quốc và Tổ chức Nông lương Quốc tế (FAO) từng dự đoán hiện tượng dâng lên của nước biển sẽ làm tăng độ mặn của đất trồng lúa tại những đồng bằng ven các sông chính của châu Á, bao gồm sông Hằng, sông Dương Tử và sông Hoàng Hà. Trong tương lai xa, những thay đổi đó buộc các nước châu Á dịch chuyển các ruộng lúa tới nơi khác. Điều này tương tự như việc nhiều nông trại nho của Australia phải di chuyển tới khu vực thấp và lạnh hơn để giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu đối với nho.

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu. Hồi tháng 3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kịch bản biến đổi khí hậu mới nhất. Các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam được xây dựng dựa trên ước tính về phát thải khí nhà kính toàn cầu, gồm các kịch bản ở mức thấp, trung bình và cao. Theo kịch bản phát thải cao, đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển tăng từ 57 - 73cm trên toàn dải ven biển Việt Nam. Mực nước biển tăng mạnh nhất tại khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang, với mức tăng cao nhất lên tới 105cm. Giới khoa học cho biết, mực nước biển dâng đúng theo kịch bản, khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long bị ngập và 35% dân số chịu ảnh hưởng.

(Nguồn tham khảo: Datviet/National Geographic)

Loài ong thích hút nước mắt người


Các nhà khoa học vừa khám phá một loài ong không thích hút mật mà thích hút nước mắt của người. Loài ong này có tên là Lisotrigona, đậu rất nhẹ nhàng cạnh mắt của con người, nhẹ đến nỗi người ta không cảm thấy có gì đó trên mặt mình, cũng như không cảm thấy gì khi chúng hút nước mắt. Đặc biệt hơn, dù nhắm mắt lại, bạn cũng không thể đuổi loài côn trùng này đi.


Thử nghiệm với loài ong này, các nhà nghiên cứu cho biết: “Sau khi chúng đã đậu lên mặt và hút nước mắt thì con người mới cảm thấy sự có mặt của chúng trên da mình. Nhưng cũng phải nhìn vào gương mới biết chắc chúng còn đó hay đã bay đi. Khi một con ong đã đậu xuống và nhiều con nối tiếp, chúng có xu hướng đậu gần nhau để tạo thành một hàng. Nhắm mắt lại chưa chắc đã khiến ong bay đi, một số con tiếp tục hút nước mắt ở khóe mắt”. Nguyên nhân có thể là lũ ong bị hấp dẫn bởi lượng protein rất nhỏ trong nước mắt của con người. Có thể chúng lại thích vị mặn trong nước mắt, giống như loài ong New York thích muối nên thường hút mồ hôi của người. Các nhà nghiên cứu đã cố gắng thú hút bầy ong tránh xa vùng mắt bằng nhiều loại thức ăn hấp dẫn khác, như thịt, bơ và thậm chí là đồ uống Ovaltine, nhưng lũ ong “phớt lờ” và chỉ tập trung hút nước mắt người.

May mắn là phản xạ chớp mắt của con người có tác dụng bảo vệ cơ quan thị giác của chúng ta. Khi ong đậu xuống mặt, phản xạ chớp mắt có tác dụng ngăn cản lũ ong bám quá chắc, khiến chúng rơi khỏi lông mi. Khi đó, lũ ong không bỏ cuộc mà sẽ cố thử lại đến khi nào được mới thôi. Bất đắc dĩ lắm chúng mới chịu buông tha và bay đi.

(Nguồn tham khảo: Dailymail)

Châu Âu gửi tàu thăm dò sự sống trên sao Mộc


Châu Âu sẽ khởi động tàu thăm dò sự sống trên sao Mộc sau khi ESA vừa thông qua dự án mang tên JUICE trị giá 900 triệu bảng (khoảng 27.000 tỷ VNĐ) tại một cuộc họp ở Paris. JUICE được xem là dự án lớn đầu tiên nằm trong chương trình Tầm nhìn Vũ trụ của châu Âu giai đoạn 2015 - 2025. Con tàu, được tích hợp 11 thiết bị khoa học tiên tiến, sẽ khởi động vào năm 2020 từ cảng vũ trụ của châu Âu ở Kourou thuộc French Guiana bằng tên lửa đẩy Ariane 5 và đến sao Mộc năm 2030 để nghiên cứu khí quyển và từ quyển ở đây trong vòng 3 năm.

Các mặt trăng lạnh giá của sao Mộc là mục tiêu thăm dò chính của JUICE.

Ngoài ra, JUICE còn có nhiệm vụ thăm dò sự sống tiềm năng trên các mặt trăng của sao Mộc gồm: Europa, Callisto và Ganymede. Trong đó, Ganymede là mục tiêu thăm dò chính của JUICE vì nó được xem là mặt trăng nắm giữ tiềm năng lớn nhất cho sự sống. Giới khoa học tin rằng, có sự tồn tại của các đại dương bên dưới bề mặt đóng băng của hai mặt trăng là Callisto và Ganymede.

GS. Michele Dougherty, làm việc tại Đại học Imperial (London) cho biết, “Có bốn điều kiện cần cho sự sống hình thành: nước, năng lượng, các hóa chất như nitơ, carbon, hydro và sự ổn định. Chúng tôi nghĩ rằng trên các mặt trăng lạnh giá của sao Mộc có những điều kiện này và JUICE sẽ cho chúng ta có những hiểu biết đẩy đủ hơn”.

(Nguồn tham khảo: Telegraph/ Physorg)

Cây cối cũng có thể "tình tự" với nhau?


Các nhà sinh vật học Anh và Úc nói rằng, nếu như trước đây chỉ mới suy đoán cây cối có thể nói chuyện tình yêu với nhau, thì nay họ đã chứng minh được đó là sự thực. Dưới sự hướng dẫn của TS. Monica Gagliano và các đồng nghiệp tại Đại học Bristol (Anh), các nhà sinh học trường Đại học Bắc Australia (Perth) đã nghiên cứu vấn đề này. Họ đã sử dụng các máy đo có độ nhạy cao để nghiên cứu các tính chất âm học của những bộ rễ. Từ đó, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ở những cây ngô mà gốc, rễ bị ngập nước phát ra lặp đi lặp lại âm thanh tựa như tiếng răng rắc, có tần số lên đến 220Hertz.

Cây cối cũng có ngôn ngữ riêng để giao tiếp với nhau.

Khi các nhà nghiên cứu gửi tín hiệu cùng một tần số với gốc và rễ của cây thì chúng có sự thay đổi theo hướng tăng trưởng. Nghiên cứu này là xác nhận thử nghiệm khả năng khoa học về thực vật tạo ra tín hiệu âm thanh, đã được ghi lại và gửi lại cây xem phản ứng thế nào. Mặc dù vậy, chính các nhà khoa học tự nhận thấy, những kết quả mình thu được còn thô sơ và chưa hoàn toàn chính xác để coi chúng là chân lý khoa học. Cần có một số thí nghiệm kiểm chứng thêm của các nhóm độc lập. Bà Gagliano cho biết, “Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi cố gắng phân tích sự khác biệt giữa các thuộc tính để tạo ra và nhận các tín hiệu âm thanh của các loài thực vật. Tiếp theo, chúng tôi sẽ khám phá các thông tin đã được mã hóa trong những âm thanh này”.

Suốt 20 năm qua, các nhà khoa học đã chứng minh rằng, tất cả cây cối đều có khả năng “giao tiếp” với nhau bằng cách phản ứng với tín hiệu hóa học cụ thể và tự mình phát ra các tín hiệu. Phụ thuộc vào các tín hiệu này, chúng đã đẩy nhanh quá trình ra hoa, kết trái, trái chín, tăng trưởng gốc, thân cây. Thậm chí chúng có thể sản xuất các hợp chất dễ bay hơi đặc biệt, để có thể báo tin cho nhau biết động vật ăn cỏ đang đến gần.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày