Là một người vô cùng yêu
thiên nhiên, nhiếp ảnh gia người Nhật - Takehito Miyatake luôn tìm tòi và khám phá những vùng đất mới lạ. Ông cho rằng, nhiếp ảnh thiên nhiên cũng giống như thơ ca vậy, cả hai đều thể hiện những vẻ đẹp bằng một nét riêng độc đáo.
Với niềm đam mê đó, ông đã đi nhiều nơi và ghi lại hình ảnh được coi là nhiệm màu và nên thơ ở rất nhiều địa danh khác nhau ở Nhật Bản. Takehito Miyatake chia sẻ: "Tôi rất may mắn và đã cố gắng ghi lại những khoảnh khắc của các hiện tượng, kỳ quan của thế giới tự nhiên mà không phải ai cũng có cơ hội chứng kiến".
Ông cho biết, để ghi lại được những hình ảnh sét đánh núi lửa này, ông đã phải kiên nhẫn để có thể ghi lại được khoảnh khắc đẹp nhất. Cuối cùng, sự kiên nhẫn của ông cũng được đền đáp. Mới đây, Miyatake đã được nhận giải thưởng lớn của National Geographic về những bức ảnh của mình.
Cùng chiêm ngưỡng một vài hình ảnh được nhiếp ảnh gia Takehito Miyatake ghi lại trong những chuyến đi suốt 30 năm của ông - một Nhật Bản tuyệt đẹp qua các khoảnh khắc "lóe sáng" giữa thiên nhiên, từ núi lửa, đom đóm cho tới khung cảnh "tranh sáng tranh tối" trên biển.
Miệng núi lửa Sakurajima
Ngọn núi lửa cao 1.117m gần thành phố Kagoshima này là một trong những núi lửa hoạt động mạnh ở Nhật Bản. Các nhà nghiên cứu ước tính, mỗi đợt phun trào của núi lửa Sakurajima đủ thổi bay một lượng lớn đất đá văng xa tới 1.800m, dòng dung nham chảy dài tới 1km.
Cầu trên sông Shimanto, Nhật Bản
Hình ảnh cây cầu trên sông Shimanto, Nhật Bản được xây dựng và thiết kế nhỏ, thấp để phù hợp với không gian thiên nhiên xung quanh. Vào mỗi mùa hè lúc hoàng hôn, nhiều đàn đom đóm sẽ xuất hiện, khiến cho khung cảnh của cây cầu càng trở nên độc đáo và nổi bật hơn.
Sét đánh núi lửa
Hình ảnh siêu thực sét xuất hiện ở miệng núi lửa Sakurajima này được tác giả ghi lại vào năm 2013. Sét núi lửa hay còn gọi là cơn bão bẩn, đây là một hiện tượng thiên nhiên đặc biệt xảy ra khi sét đánh cùng lúc với núi lửa phun trào. Giả thuyết được đưa ra là chính sự chuyển động của phần tử tro bụi, dung nham núi lửa có mang điện tích đã tạo ra dòng điện.
Bè cá trên eo biển Naruto
Chỉ với khoảng 1.300m chiều rộng, eo biển Naruto tách quận Tokushima trên đảo Shikoku và các đảo nhỏ thuộc Awaji. Đây là nơi giao nhau giữa biển nội địa Nhật Bản và Thái Bình Dương.
Chính vì do sự khác biệt lớn trong mực nước biển nội địa Seto chật chội với các vùng nước mở của Thái Bình Dương, dòng chảy của thủy triều với sự phức tạp của địa hình đáy biển nơi đây đã gây ra hiện tượng xoáy nước cực kỳ nhanh, được gọi là các xoáy nước Naruto.
Đom đóm Heike botaru
Ở Nhật phổ biến nhất là hai loại đom đóm Genji botaru và Heike botaru, ấu trùng của chúng sinh trưởng trong môi trường nước. Vào những đêm đẹp trời của tháng 6 và tháng 7, đom đóm phát ra vô số đốm sáng xanh lập lòe trên dòng sông và cánh đồng khiến người ta liên tưởng đến những ngôi sao đang rơi rụng.
Ngày xưa, người Nhật tin rằng, ánh sáng đom đóm biểu trưng cho linh hồn của người chết. Nhưng đối với trẻ em, ánh sáng đó có sức hấp dẫn kỳ lạ, bọn trẻ thường bắt đom đóm để lên tay của chúng và ngắm nhìn những đốm sáng xanh nhấp nháy lung linh.
Mực đom đóm Nhật Bản
Mực đom đóm là một loài mực phát quang sinh học có chiều dài chỉ khoảng 7 - 8cm. Bên trong cơ thể loài mực này có các cơ quan sản xuất ánh sáng gọi là photophore làm cho loài mực này phát ra ánh sáng màu xanh về đêm. Đây được coi là một "đặc sản" của Nhật Bản.
(Nguồn tham khảo: Slate/Natural/Takehito Miyatake)