Trong khi gấu trúc khổng lồ được biết đến là một loài động vật khá “khó nuôi” thì họ hàng của chúng, gấu trúc đỏ lại là loài động vật đặc biệt dễ nuôi.
Mùa hè này, Vườn thú Quốc gia Smithsonian thuộc thủ đô Washington (Hoa Kỳ) có dịp được chào đón 4 bé gấu trúc đỏ. Điều này đã nâng tổng số gấu trúc đỏ ở đây lên tới hơn 100 cá thể kể từ năm 1962 tới nay.
2 trong 4 con gấu sinh ra tại vườn thú này và 2 con còn lại được sinh ra tại cơ sở thú chị em của vườn thú ở Virginia. Cả 4 con gấu đều thuộc giống cái.
Hai bé gấu con trong bức hình này là con của Shama và Tate – 2 con gấu được nuôi dưỡng tại vườn thú Quốc gia Mỹ.
Shama sinh ra 2 bé gấu trong hang. Lúc các nhân viên vườn thú gọi Shama, họ không nhận thấy tín hiệu đáp lại và họ lập tức phỏng đoán rằng có lẽ Shama đang sinh con. Và quả nhiên đúng là như vậy!
Khi gấu con sinh ra, nó sẽ cất lên một tiếng rít khe khẽ, điều này sẽ giúp những nhân viên vườn thú xác định được vị trí của gấu con được sinh ra nhưng phải mất đến hơn 1 tuần mới có thể xác nhận được vị trí chính xác của gấu con.
Gấu trúc đỏ ngay từ khi sinh ra đã rất bé và trọng lượng của chúng đến khi trưởng thành cũng chỉ nặng khoảng từ 3 đến 6kg. Trong khi đó, trọng lượng của một con gấu trúc khổng lồ trung bình khoảng 90kg.
Những bé gấu mới sinh sẽ được ở trong hang trong vòng 90 ngày. Sau khoảng một năm chúng mới có thể thực sự rời khỏi mẹ. Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cho rằng gấu trúc đỏ là động vật dễ bị tổn thương. Người ta ước tính rằng chỉ có khoảng 2.500 con gấu trúc đỏ hiện đang tồn tại trên toàn thế giới.
Gấu trúc đỏ có cái đuôi xù đặc biệt giúp chúng giữ thăng bằng khi trèo lên cây. Lông của chúng chủ yếu là màu nâu đỏ giúp chúng thích nghi với môi trường xung quanh.
Gấu trúc đỏ cũng sống ở một số lãnh thổ tương tự như gấu trúc khổng lồ: Trung Quốc, Hymalaya, và Myanmar. Chế độ ăn uống của chúng cũng gần giống với chế độ ăn uống của gấu trúc khổng lồ. Chúng thích ăn lá tre nhưng đôi khi chúng cũng ăn hoa, quả và trứng gia cầm.
Các bác sĩ thú y luôn cẩn thận đeo găng tay và sử dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết khi khám cho gấu trúc đỏ. Mỗi một con gấu trúc con đều nhận được giấy chứng nhận sạch về sức khỏe từ các bác sĩ thú y.
Nhiều khi các nhân viên sở thú sử dụng lại những chiếc găng tay mà các bác sĩ đã sử dụng khi khám cho gấu trúc con để làm tổ và dọn phân cho gấu mẹ để gấu trúc đỏ có thể quen với mùi hương của con người.