Ngắm nghía xác ướp "thú cưng" của người Ai Cập cổ đại

Antonio, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 26/04/2014
Chia sẻ

Mèo, cá sấu, khỉ đầu chó... được người Ai Cập cổ đại ướp xác và thờ phụng như các vị thần…

Xác ướp luôn được coi là một “đặc sản” có 1-0-2 ở Ai Cập. Thời cổ đại, các Pharaoh Ai Cập sau khi qua đời đều được tiến hành ướp xác và chôn cất trong các lăng mộ nhiều cạm bẫy. 

Tuy nhiên, một điều ít ai biết tới đó là người Ai Cập không chỉ ướp xác vua chúa của mình mà còn làm điều tương tự với các loài động vật… 

Lý giải của tục ướp xác động vật... 

Cho tới nay, chưa có một tài liệu nào chỉ ra thời điểm chính xác người Ai Cập bắt đầu tục ướp xác động vật. Nhiều chuyên gia cho rằng, tục lệ này xuất hiện sau khi hợp nhất Thượng và Hạ Ai Cập, khoảng năm 3.000 TCN.

Nhiều phát hiện khảo cổ cũng chỉ ra dấu hiệu cổ xưa nhất của xác ướp động vật là khoảng năm 5.500 - 4.000 TCN, điều này phù hợp với dự đoán của các nhà nghiên cứu.

 
Một số xác ướp mèo đã được tìm thấy.

Có nhiều lý do khiến cho người Ai Cập tiến hành ướp xác động vật. Đối với người Ai Cập cổ, động vật như mèo, chó, cầy mangut, khỉ, linh dương… là các loài thú cưng. Do vậy, sau khi Pharaoh hay các hoàng thân, quý tộc qua đời, họ thường ướp xác vật nuôi của mình để đem chúng sang thế giới bên kia. 


Xác ướp của một chú linh dương được chôn cùng trong ngôi mộ của chủ nhân, vào khoảng năm 945 TCN.

Cận cảnh khuôn mặt một xác ướp mèo. 

Trường hợp nổi tiếng nhất đã được tìm ra đó là Nữ hoàng Theban, Makare. Phát hiện khảo cổ học cho thấy, bà được chôn cùng xác ướp thú cưng của mình - một con khỉ xanh. Ban đầu, người ta lầm tưởng xác ướp này là con của Makare. 

Song căn cứ theo lời thề sống độc thân của Makare và kết quả chụp X - quang xác ướp năm 1968, các nhà khoa học đã tìm ra sự thật đó là một con vật chứ không phải con người.

 
Theo quan niệm của người Ai Cập cổ đại, các con vật thường được ướp xác và chôn cùng chủ nhân khi họ qua đời.

Nguyên nhân thứ hai khiến người Ai Cập chuộng ướp xác động vật, đó là vì niềm tin vào thế giới bên kia. Họ tin rằng, Pharaoh sau khi qua đời sẽ tới sống ở một thế giới mới - thế giới của các vị thần. 

Do đó, người Ai Cập xưa đã chôn cùng xác ướp Pharaoh một số thực phẩm như gà, vịt… Chúng được gói trong vải lanh, ướp muối cẩn thận để làm đồ ăn cho linh hồn Pharaoh dọc đường.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất phải kể tới đó là niềm tin tôn giáo. Người Ai Cập theo tín ngưỡng đa thần. Với họ, động vật có thể là thú cưng hoặc chính là đại diện cho các vị thần. 

Bức tượng Thần sinh sản Sebek.

Chẳng hạn, mèo là biểu trưng của Nữ thần chiến tranh Bastet; khỉ đầu chó là Thần Mặt trăng và trí tuệ - Thoth; cá sấu ứng với vị Thần sinh sản Sebek hay Thần Mặt trời Re… 

Hình ảnh Nữ thần chiến tranh Bastet.

Sử gia người Hy Lạp - Diodorus Siculus đã từng thuật lại câu chuyện thương tâm khi một người La Mã tới Ai Cập vô tình làm chết một con mèo đã bị đám đông xung quanh xúm lại và đánh cho tới chết. Hay như theo lời của sử gia Herodotus, khi có đám cháy xảy ra, người Ai Cập sẽ bao quanh ngọn lửa để không một chú mèo nào vô tình chui vào biển lửa.

… và một số động vật được ướp xác phổ biến…
 
Trong số các thú cưng, có lẽ mèo là loài vật được ướp xác nhiều nhất vì người Ai Cập rất sùng bái loài vật này. Khi một chú mèo chết, cả gia đình chủ nhân sẽ đưa tang như đưa tang người thân, đồng thời cạo lông mày để tưởng niệm tới linh hồn con vật. 

Mèo luôn chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống của người Ai Cập cổ.

Tại lăng mộ Saqqara, gần thủ đô Memphis của Ai Cập cổ đại, người ta phát hiện ra hàng ngàn xác ướp mèo. Thậm chí còn có tin đồn vào thế kỉ XIX, 19 tấn xác ướp mèo đã được chuyển về Anh từ Beni Hasan để làm… phân bón.

 
Lăng mộ Saqqara là nơi phát hiện được rất nhiều xác ướp động vật từ thời Ai Cập cổ đại.

Hình ảnh người Ai Cập cổ thờ phụng mèo.
 
Nổi tiếng không kém đó là các xác ướp chim Ibis. Vào thời kì Pharaoh Ptolemy trị vì, chim Ibis trở thành biểu trưng của Thần trí tuệ Thoth. Số lượng xác ướp loài chim này vô cùng đáng kinh ngạc. 

Riêng tại hầm mộ của Tune el-Gebel, ước tính có gần 4.000.000 xác chim Ibis được ướp bằng vải lanh, đầu và cổ bị uốn cong về phía sau. Nhiều chuyên gia ước tính, mỗi năm, người Ai Cập cổ đại đã ướp xác của 10.000 con chim Ibis. 

Thần Thoth có đầu giống hình đầu chim Ibis.

Một xác ướp chim Ibis.

Cá sấu cũng là một con vật linh thiêng mà người Ai Cập xưa thờ phụng. Khi còn sống, người Ai Cập nuôi dưỡng và rất cưng chiều loài vật này cho tới khi chúng chết. 


Sự tôn kính này còn được thể hiện tới mức, xác ướp cá sấu còn được mạ vàng và đeo trang sức quý giá không thua kém gì so với Pharaoh. Tuy nhiên sau này, tập tục ướp xác bão hòa hơn, khiến cho xác ướp cá sấu bị đơn giản hóa đi rất nhiều, chỉ tương đương như ướp xác các loài động vật khác mà thôi.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: National Geographic, Archaeology, Mummy Tombs, Wikipedia...
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày