Lấy cảm hứng từ những truyện
cổ tích được ghi lại bởi anh em nhà Grimm như Nàng Bạch Tuyết, Cô bé Lọ Lem (Cinderella) hay Hansel & Gretel, Nàng công chúa ngủ trong rừng hay Cô bé quàng khăn đỏ... nhiếp ảnh Kilian Schoenberger tận dụng cánh rừng sau nhà để tạo nên series ảnh kì ảo dưới đây.
Bộ ảnh mang tên "Quê nhà của anh em Grimm" được chụp trong khu rừng ở khu vực Trung Âu, mang đến cảnh quan y hệt trong những truyện cổ thú vị. Đó là cánh rừng mù sương, ngôi nhà gỗ giữa những hàng cây hay cảnh rừng lá kim tuyệt đẹp...
Cùng xem ảnh và khám phá nguồn gốc của truyện cổ Grimm - tập hợp những truyện cổ tích nổi tiếng từ hàng trăm năm qua...
Truyện cổ Grimm (Truyện kể gia đình cho trẻ em) là một tập hợp các truyện cổ tích tiếng Đức lần đầu tiên được xuất bản năm 1812 bởi Anh em nhà Grimm, Jacob và Wilhelm.
Anh em nhà Grimm là hai anh em người Đức Jacob Ludwig Karl (1785 - 1863) và Wilhelm Karl Grimm (1786 - 1859). Hai anh em Grimm là những nhà ngôn ngữ học và nghiên cứu văn học dân gian.
Hai anh em nhà Grimm bắt đầu sưu tầm các truyện kể dân gian từ khoảng năm 1807, khi nhu cầu tìm hiểu truyện dân gian ở Đức bắt đầu phát triển.
Từ năm 1810, hai người bắt đầu thực hiện bộ sưu tập bản thảo truyện dân gian, những tác phẩm này được Jacob và Wilhelm ghi lại bằng cách mời những người kể chuyện đến nhà và chép lại những gì họ kể.
Trong số những người kể chuyện này không chỉ có những nông dân mà còn có những người thuộc tầng lớp trung lưu và các học giả, những người sở hữu các câu chuyện nghe được từ người hầu của họ.
Jacob và Wilhelm còn mời cả những người Huguenot gốc Pháp tới kể những truyện dân gian có nguồn gốc từ quê hương của họ.
Năm 1812, Jacob và Wilhelm Grimm cho xuất bản bộ sưu tập 86 truyện cổ tích Đức trong một cuốn sách mang tựa đề Kinder- und Hausmärchen (Truyện của trẻ em và gia đình).
Năm 1814, anh em nhà Grimm cho phát hành tập sách thứ hai với 70 truyện cổ tích, nâng số truyện trong bộ sưu tập lên 156.
Ảnh hưởng của truyện cổ Grimm rất sâu rộng, được coi là một trong các nền tảng của văn hóa hiện đại phương Tây.
Từng được dịch ra 160 thứ tiếng, Truyện cổ Grimm được coi là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau như hội họa, âm nhạc và điện ảnh.
(Nguồn tham khảo: Republic X/Wikipedia)