Đúng với tên gọi "nghệ giả", một geisha có thể biểu diễn tất cả: từ múa, hát, thực hành trà đạo và đặc biệt là chơi đàn shamisen (một loại đàn truyền thống của Nhật). Nếu search trên Google, bạn sẽ tìm ra được định nghĩa của geisha là: những người phụ nữ được đào tạo để mua vui cho đàn ông, họ vừa có tài ca múa vừa có khả năng trò chuyện. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng rằng geisha là gái làng chơi hạng sang. |
Những geisha đầu tiên thực chất là đàn ông. Thế hệ đầu tiên này làm việc trong các quán rượu, phòng trà, nhảy hát múa mua vui cho khách hàng và được gọi là honko. Mãi về sau, khi loại hình giải trí này có sự tham gia của phụ nữ, nó mới thực sự phát triển và nâng tầm lên thành một loại hình nghệ thuật truyền thống. |
Để trở thành geisha, người phụ nữ phải trải qua một quá trình đào tạo cơ bản và rất chuyên nghiệp. Thông thường, các cô gái bước vào nghề từ năm 15 tuổi, được học ca, múa và chơi các loại nhạc cụ trong đó nổi bật nhất là đàn shamisen. |
Xã hội geisha có sự phân cấp, tầng lớp rất rõ ràng và có đôi nét khác biệt giữa các địa phương. Những geisha học việc ở Kyoto được gọi là Maiko, trong khi ở thủ đô Tokyo thì có tên là Hangyoku. Điểm chú ý ở chỗ, Hangyoku mặc những bộ trang phục thời trang, dài và sặc sỡ hơn so với các Maiko. Thời xưa ở Nhật, hàng ngũ geisha cao cấp cũng có địa vị và được xếp vào tầng lớp trên của xã hội. |
Geisha sống trong các ngôi nhà truyền thống có tên Okiya, tại các khu phố hoa Hanamachi. Một trong những nguyên tắc hàng đầu được các geisha đề cao là ẩn mình càng kĩ càng tốt, khiến họ càng có thêm sức hút kì bí và quyến rũ. |
Làm việc trong các quán trà phục vụ khách, một trong những độc chiêu của các geisha nữ là “vén tay áo”. Khi rót trà, họ cố tình kéo ống tay áo kimono lên để lộ cổ tay trần, biểu hiện một tín hiệu của sự quyến rũ. Đương nhiên, thực khách sẽ bị "khiêu khích" và lôi cuốn khi nhìn thấy làn da trần của cô gái. |
Trang điểm và trang phục là một trong những tiêu chí quan trọng khi hành nghề geisha. Họ mất tới hàng giờ đồng hồ để trang điểm cho khuôn mặt và thắt kiểu tóc phù hợp. Kimono là trang phục truyền thống của các geisha, tuy nhiên, so với 300 năm trước đây, nó không thay đổi nhiều. |
Những chiếc kimono được làm hoàn toàn thủ công và mỗi geisha lại có một loại kimono đặc trưng, được thiết kế cho riêng mình. Các họa tiết và loại vải thay đổi theo từng mùa và thường được làm từ lụa. |
Thế giới geisha cực kì phức tạp và có những quy định thật sự ngặt nghèo. Theo như truyền thống, một geisha nữ chân chính không được phép kết hôn. Lấy chồng đồng nghĩa với việc họ từ bỏ nghề nghiệp. Như vậy, rõ ràng geisha là một nghề nghiệp chân chính chứ không phải là gái mại dâm như nhiều người lầm tưởng. |
Một sự kiện thú vị là Fiona Graham - cô gái đến từ Melbourne (Úc) đã trở thành geisha chuyên nghiệp da trắng đầu tiên trên thế giới. Dù gặp rất nhiều khó khăn vì không qua trường lớp song Graham vẫn khá thành công trong sự nghiệp của mình. Nghệ danh của cô là Sayuki, có nghĩa là hạnh phúc trong sáng. |
Theo như cô tâm sự, cô lấy cái tên trên từ năm 2007. Cơ duyên đưa cô tới nghề này là sau khi khám phá ra thế giới tuyệt đẹp của nghệ thuật tiếp trà Nhật Bản. Hiện nay, cô có thể kiếm được 30.000 yên (hơn 8 triệu đồng) cho 2 giờ phục vụ, một số tiền không hề nhỏ chút nào. |
Khu phố geisha cổ nhất ở thủ đô Tokyo là Asakusa. Trong khi đó, trung tâm nhiều geisha nhất còn tồn tại cho tới ngày nay là ở Kyoto với tên gọi Gion và Pontochō. Tuy nhiên, tính tới hiện nay, số lượng geisha hành nghề chỉ còn khoảng hơn 1.000 người, khác hẳn so với con số 80.000 ở thời điểm những năm 1920. |
Bạn có thể xem thêm: |