Con người đã "chiếm dụng" Trái đất như thế nào?
|
Những đường màu sáng vươn dài trên khắp bề mặt Trái đất như mạng nhện mà chúng ta đang thấy chính là hình ảnh hiển thị sự kết nối toàn cầu. Những bức ảnh độc đáo vừa được công bố dưới đây là kết quả 13 năm say mê nghiên cứu của nhà nhân chủng học Felix Pharand người Canada. Dự án này được thành lập với mục đích đem đến một cái nhìn dễ dàng hơn về tổng diện tích Trái đất bị “chiếm dụng” bởi công nghệ của con người như dây cáp tín hiệu, đường bay, đường bộ…
Bức ảnh thể hiện những tuyến đường bộ chính và hệ thống đường sắt, kèm theo là những đường truyền cũng như cáp tín hiệu bên dưới mặt biển.
Sử dụng một máy tính bình thường, ông Pharand đã thu thập dữ liệu từ các trung tâm thông tin về không gian và địa lý để tạo ra hình minh họa chính xác về cách thức mà con người đã dùng công nghệ để “bao phủ” bề mặt Trái đất. Ông thể hiện chúng bằng những màu sáng và “chồng” lên hình ảnh Trái đất vào buổi đêm.
Công nghệ hiện đại của con người tại châu Phi vào ban đêm: đường bộ, đường sắt và cáp tín hiệu.
Felix đã tự “mày mò” cách thiết kế để truyền đạt ý tưởng của mình một cách hiệu quả hơn, muốn tạo ra hình ảnh của sự kết nối trên Trái đất như chúng ta thường nhìn thấy trong các phim khoa học viễn tưởng.
Vệt sáng thể hiện các chuyến bay được nối liền giữa Bắc Mĩ và châu Âu.
Ông cho rằng, chỉ bằng cách thể hiện hình ảnh chứ không phải các con số khô khan, chúng ta sẽ dàng hình dung được việc con người đã biến đổi và “sửa sang” cho ngôi nhà chung của mình như thế nào. Ông có một cái nhìn rất tích cực về các thành tựu của con người. Những thành tựu đó là kết quả làm việc của hàng tỉ người trong lịch sử thông qua những nỗ lực, sáng tạo, thậm chí cả chiến tranh và khủng hoảng
Những chuyến bay trên khắp châu Á.
Ông cũng cho rằng thế giới ở đầu thế kỷ 21 là kết quả của những gì chúng ta gọi là Great Acceleration – sự tăng tốc tuyệt vời. Nhiều thành tựu của con người chỉ vừa được khởi động vào giữa thế kỷ 20 nhưng đã đạt được những kết quả cực kỳ to lớn vào cuối thế kỷ này. Những bức ảnh như là một thông điệp để nâng cao nhận thức rằng con người có thể vươn đến những tầm cao mới, chỉ cần giữ vững được sự lạc quan trong trái tim.
Mưa sao băng vào rạng sáng mai |
Theo tin tức mới nhận được, một trong những trận mưa sao băng được chờ đợi nhất trong năm sẽ diễn ra vào rạng sáng ngày mai. Mưa sao băng Orionid sẽ đạt cực đại vào khoảng thời gian từ 2 đến 5 giờ sáng ngày 23/10 theo giờ Việt Nam. Vào thời điểm đó, chúng ta có thể thấy 20 đến 30 sao băng mỗi giờ.
Sở dĩ, trận mưa sao băng này nổi tiếng dù không phải là trận mưa sao băng hoành tráng nhất, vì Orionid chính là những phần vật chất tách ra từ sao chổi Halley trong quá trình chuyển động xung quanh Mặt trời.
Những thành phần vật chất này đi vào khí quyển Trái đất ở vận tốc 238.000km/h, ma sát với không khí, bốc cháy và tạo ra những vệt ánh sáng chúng ta gọi là sao băng. Những sao băng này xuất phát từ hướng Đông Bắc của chòm sao Orion. Đây cũng là lý do vì sao trận mưa sao băng này có tên Orionid.
Ảnh sao băng chụp từ vệ tinh.
Theo tạp chí Thiên văn học Astronomy, trận mưa sao băng này có điều kiện quan sát rất tốt ở một số vùng. Mặc dù có thể bị ánh sáng Mặt trăng ảnh hưởng đến khoảng 20% số lượng sao băng nhìn thấy, nhưng bạn hoàn toàn có thể khắc phục chuyện này bằng cách chọn tầm nhìn không trực diện vào nó.
Sao băng tuyệt đẹp trên bầu trời.
Được biết, Việt Nam cũng nằm trong khu vực những nước có khả năng quan sát được trận mưa sao băng này. Tuy nhiên, thời tiết tại Việt Nam hiện nay có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chúng ta có thể quan sát hiện tượng thiên nhiên độc đáo này.
Ở khu vực phía Bắc hiện nay có xuất hiện sương mù vào lúc rạng sáng, trùng với khoảng thời gian tốt nhất để chiêm ngưỡng sao băng.
Trong khi đó, khu vực miền Trung và miền Nam được dự báo là có nhiều mây kèm theo mưa giông. Vì thế, việc chúng ta có thấy được sao băng hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào sự may mắn khi lượng mây thay đổi bất chợt.
Nếu “may mắn” thấy được sao băng, teen hãy nhớ ước thật nhiều điều tốt đẹp nhé!