Hình ảnh cua-rơ người Mỹ - Lance Armstrong vượt qua căn bệnh ung thư quái ác, vô địch 7 lần liên tiếp cuộc đua xe đạp danh giá Tour de France, gây quỹ từ thiện Livestrong giúp đỡ các bệnh nhân ung thư… từ lâu đã trở thành huyền thoại, một tấm gương cao cả cho biết bao fan hâm mộ.
Doping là gì?
Đó là tên gọi chung của các chất kích thích bị cấm trong thi đấu thể thao. Chất này có tác dụng đẩy nhanh tốc độ tuần hoàn máu, tăng cường khối lượng máu chảy về tim, làm tăng thể lực cùng sự tập trung cho các vận động viên.
Điều này làm mất đi tính công bằng trong thi đấu thể thao, nhưng quan trọng hơn nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của vận động viên bởi các tác dụng phụ. Thông thường, doping gồm 3 dạng: doping máu, doping cơ và doping thần kinh.
Từ các phương thức thử Doping
Tại Thế vận hội 1964, các hình thức kiểm tra Doping bắt đầu được Ủy ban Olympic tiến hành. Có hai cách thức chủ yếu để kiểm tra, đó là thử nước tiểu và thử máu.
Thông thường, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra các vận động viên theo tiêu chí: thành tích cao, nổi tiếng, lọt vào chung kết hay là có người tố giác hoặc biểu hiện bất thường. Việc này diễn ra rất ngẫu nhiên để đảm bảo được tính công bằng trong thể thao.
Quy định kiểm tra rất nghiêm ngặt, có hẳn bộ luật và quy chế riêng cho vấn đề này. Những cuộc xét nghiệm mang tính bất ngờ cao, được tiến hành tỉ mỉ để những kẻ gian lận không thể lẩn trốn.
Thường thì người ta xét nghiệm mẫu nước tiểu, dựa vào các phản ứng sinh hóa để kết luận. Nhưng nếu nghi ngờ đối tượng sử dụng những loại thuốc khác, tinh vi hơn thì sẽ tiến hành xét nghiệm cả máu để đảm bảo tính chính xác.
Mặc dù công tác kiểm tra vô cùng chặt chẽ nhưng vụ scandal của Lance Armstrong làm dấy lên nhiều nghi ngại trong lòng người hâm mộ.
Tổ chức USADA (Ủy ban Chống Doping Mỹ) cáo buộc "huyền thoại Tour de France" đã sử dụng doping và "trốn thoát" những cuộc kiểm tra nhờ một hệ thống gian lận tinh vi có tổ chức mà chính Lance Armstrong đứng đầu.
Theo Washington Times, USADA đã công bố một bản báo cáo hoàn chỉnh hơn 200 trang (trong khi BBC đưa tin bản báo cáo dài 1.000 trang) nói về những thủ đoạn, mánh khóe của Lance Armstrong cùng nhiều bằng chứng khoa học và 26 nhân chứng.
Theo lời khai các nhân chứng, Lance Armstrong đã nhiều lần sử dụng doping, chủ yếu là chất EPO qua đường truyền máu.
Các thủ thuật lách luật mà Lance Armstrong đã sử dụng để trốn nhân viên kiểm tra, sử dụng lời khai giả đánh lạc hướng, dùng các loại doping mới, thậm chí đe dọa các nhân chứng, móc nối với những người có vai vế… Lance còn xây dựng được cả "1 ekip gian lận chuyên nghiệp".
Hệ thống của Lance Armstrong được tổ chức tinh vi, tất cả các thành viên đều rất “đoàn kết”. Họ nhắn tin để cảnh báo trước những vụ kiểm tra doping đột xuất của cơ quan chức năng.
Nhờ đó mà huyền thoại người Mỹ đã trốn được vô số cuộc kiểm tra. Lance từng tuyên bố, anh đã trải qua 500 - 600 cuộc xét nghiệm doping nhưng theo số liệu USADA có được, con số ấy chỉ khoảng 60 lần.
Khi không trốn tránh được đoàn xét nghiệm, có lần Lance đã bí mật uống một lọ nước biển giấu trong áo mưa trước khi cung cấp mẫu thử. Chính lượng nước biển ấy giúp cho chỉ số trong máu của anh trở lại bình thường như chưa dùng doping.
Năm 1999, trong lần đầu vô địch Tour de France, Lance Armstrong đã sử dụng chất kích thích EPO (Erythropoietin - một loại hormone kích thích quá trình tạo hồng cầu để đáp ứng với tình trạng thiếu ôxy). Và vào thời điểm đó, đây là loại doping tinh vi và chưa có thí nghiệm nào phát hiện ra được.
Khi có thí nghiệm đáp ứng thì Lance và đồng đội lại đi trước một bước: sử dụng cách rút máu ra, hòa EPO rồi truyền thẳng ngược lại vào cơ thể, khiến cơ quan chức năng "bó tay".
Tạm kết: Bản báo cáo của USADA đã phanh phui scandal động trời của một tượng đài sống trong giới thể thao. Sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này: người thất vọng, người chỉ trích, nhưng có rất nhiều người tiếc nuối…
Tuy nhiên, xét một cách khách quan, nếu những lời USADA nói là thật thì hành vi của Lance Armstrong là không thể dung thứ. Nhưng có ai biết rằng, rất nhiều người đã noi theo tấm gương của Lance Armstrong để vượt qua bệnh tật, chiến thắng chính bản thân mình.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: BBC, NYTimes, TheGuardian, Dailymail...
Bạn có thể xem thêm: