Như đã
đưa tin, vào chiều tối ngày 04/04, chúng ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú - nguyệt thực toàn phần hay "
Mặt trăng máu".
Lúc này, bóng tối của Trái đất sẽ bao phủ hoàn toàn Mặt trăng, khiến Mặt trăng không còn có màu vàng như thường lệ mà thay vào đó là có màu đỏ máu.
Vậy hiện tượng "Mặt trăng máu" này sẽ diễn ra như thế nào và tại sao lại có tên thú vị đến thế? Chùm ảnh dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc đó.
Hiện tượng nguyệt thực toàn phần màu đỏ là khi bóng tối của Trái đất sẽ bao phủ hoàn toàn Mặt trăng. Mặt trăng sẽ không còn có màu vàng như thường lệ mà thay vào đó là màu đỏ - điều mà nhiều người vẫn gọi là hiện tượng "Mặt trăng máu".
Thực ra, đây đơn giản chỉ là một hiện tượng thiên văn hiếm gặp và đáng mong chờ. Lịch sử ghi nhận không có biến cố nào xảy ra khi Mặt trăng chuyển sang màu đỏ.
Hiện tượng “Mặt trăng máu” diễn ra theo chu kỳ 585 năm. Nghĩa là trong hàng trăm năm không có hiện tượng này, nhưng hàng trăm năm sau đó hiện tượng này thường xảy ra. Ví dụ, giai đoạn từ năm 1600 - 1900, “Mặt trăng máu” không hề xuất hiện, tuy nhiên thế kỷ XXI sẽ hứa hẹn hơn.
Cụ thể, "Mặt trăng máu" diễn ra vào ngày 15 tháng 4 năm 2014 khởi động chu kỳ gồm 4 đợt nguyệt thực toàn phần. Ba lần nguyệt thực toàn phần kế tiếp sẽ diễn ra lần lượt vào ngày 8 tháng 10 năm 2014, ngày 4 tháng 4 năm 2015 và ngày 28 tháng 9 năm 2015.
Vào lúc hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra, Mặt trăng ở trong bóng tối hoàn toàn do bị Trái đất chặn ánh sáng chiếu tới từ Mặt trời. Trước khi tới được Mặt trăng, các tia sáng từ Mặt trời chiếu qua bầu khí quyển của Trái đất.
Khi ánh sáng Mặt trời xuyên qua lớp khí quyển Trái đất, do hiện tượng tán xạ, các bước sóng ngắn như màu xanh, tím... sẽ bị khí quyển hấp thụ gần như hoàn toàn. Ánh sáng có màu đỏ, cam - với bước sóng ánh sáng dài mới có khả năng xuyên qua bầu khí quyển nhiều nhất.
Mặt trăng sẽ thay đổi những sắc thái khác nhau trong suốt các giai đoạn diễn ra của nguyệt thực, bắt đầu từ màu xám đen tới màu đỏ nhạt, đỏ đồng, màu hổ phách, dần chuyển sang đỏ sẫm màu máu.
Độ "rực rỡ" của màu đỏ này có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi mật độ bụi, hơi nước tồn tại trong bầu khí quyển Trái đất vào thời điểm diễn ra nguyệt thực.
Mọi người có thể dùng mắt thường quan sát hiện tượng mà không cần bất cứ thiết bị bảo vệ nào. Tuy nhiên, sẽ thú vị nếu có thêm ống nhòm, thiết bị quay phim, kính thiên văn.
Ngoài ra, bạn nên chọn địa điểm quan sát có góc nhìn rộng, không bị ô nhiễm ánh sáng - không có ánh đèn, không bị sương mù, bụi bặm…
Tại Việt Nam, thời điểm bắt đầu quan sát được nguyệt thực sẽ bắt đầu diễn ra từ lúc 18h57' đến 19h02' và Mặt trăng sẽ đạt mức cực đại vào lúc 19h00. Hiện tượng "Mặt trăng máu" lần này chỉ diễn ra trong khoảng 4 phút 43 giây...
Chính vì bởi diễn ra trong khoảng thời gian cực ngắn 4 phút 43 giây như vậy nên theo các chuyên gia thiên văn học, đây là hiện tượng nguyệt thực toàn phần ngắn nhất thế kỷ XXI.
Video timelapse dưới đây sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về hiện tượng thiên văn kỳ thú này.
Lịch trình xảy ra hiện tượng Mặt trăng máu ngày 04/04 (giờ Việt Nam). - Mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối lúc 16h01' - Bắt đầu pha một phần lúc 17h15' - Bắt đầu pha toàn phần lúc 18h57' - Đạt cực đại lúc 19h00 - Kết thúc pha toàn phần lúc 19h02' - Kết thúc pha một phần lúc 20h44' - Mặt trăng đi ra khỏi vùng bóng nửa tối lúc 21h59' (kết thúc hoàn toàn) Tại Việt Nam, giờ Mặt trăng mọc trong ngày này là 17h25', có nghĩa là giai đoạn trước giờ này chúng ta không thể theo dõi hiện tượng. Ngoài ra, việc quan sát Mặt trăng ngay ở chân trời chỉ có thể thực hiện với người ở vùng ven biển. Như vậy, đối với đa số người sống tại Việt Nam, thời điểm bắt đầu quan sát được hiện tượng sẽ bắt đầu từ sau 18h00 (khi đã diễn ra được một phần pha toàn phần) và có thể quan sát toàn bộ cho tới khi nguyệt thực kết thúc. (Theo Đặng Vũ Tuấn Sơn - Hội thiên văn học Việt Nam) |
Nguồn: Livescience, VAAC