"Mổ xẻ" bút chì và khám phá cách sản xuất siêu "kul"

Melonwater, Theo 00:01 15/11/2011
Chia sẻ

Bạn có biết, loại bút quen thuộc này được làm ra từ... “bánh sandwich bút chì”?

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có một thời gian gắn liền với cây bút chì gỗ có lớp sơn bóng mượt, ruột đen tuyền, nằm "ngoan ngoãn" trong hộp bút suốt thời đi học. Tuy nhiên, rất hiếm người biết chính xác bút chì được sản xuất như thế nào.


Ruột bút chì

Được gọi là bút chì nhưng ruột bút chì không phải làm bằng kim loại độc hại cho cơ thể này. Thực tế, ruột bút chì là một loại hình thù của carbon, mà ta hay gọi là than chì.

Than chì được người dân Dorowdale (Anh) phát hiện năm 1564 dưới một gốc cây đổ. Từ đó, người ta dùng than chì để đánh dấu và viết.



Ngày nay, ruột bút chì là hỗn hợp bột than chì và đất sét được trộn ở nhiệt độ 800 độ C. Đây là phương pháp được nhà sáng chế người Pháp, Nicolas-Jacques Conté tìm ra. Tùy vào tỉ lệ giữa than chì và đất sét, ta sẽ có các loại ruột bút chì có độ cứng khác nhau.

Tuy vậy, ruột bút chì màu lại được làm từ sáp, màu bột và đất sét, không có thành phần than chì và cũng không cần phải nung ở nhiệt độ cao.

Thân bút chì

Thân bút được làm bằng gỗ. Song theo các nhà sản xuất, không phải loại gỗ nào cũng được sử dụng vì nếu chọn gỗ từ thân cây mềm, bút chì sẽ rất dễ gãy. Còn nếu chọn gỗ quá cứng, người dùng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc gọt bút.



Hai loại gỗ dung hòa được các yếu tố trên là gỗ cây tuyết tùng và cây bách xù. Nếu muốn thân bút có mùi thơm đặc biệt (không có sự can thiệp của các hóa chất tạo mùi), nhà sản xuất còn sử dụng gỗ thông nữa đấy!


Sản xuất bút chì

Trước đây, người ta hay cuốn chỉ hoặc vải vào quanh lõi than chì để tạo thành lớp vỏ bên ngoài, thuận tiện cho việc sử dụng.

Người đầu tiên nghĩ ra cách cho ruột chì vào thanh gỗ rỗng là một thợ mộc người Ý. Sau này, người Anh tìm ra phương pháp sản xuất bút chì theo lối công nghiệp.


Trước tiên, người ta sẽ rạch các rãnh nhỏ trên bề mặt tấm gỗ, đặt ruột chì vừa khít với những rãnh đó, rồi đặt tiếp lên trên một tấm gỗ đã phết hồ bên trong rồi ép chặt. Sau khi hồ khô, người ta cắt phiến gỗ có ruột chì bên trong ra, tạo thành các cây bút chì. Phương pháp này gọi là “Bánh sandwich bút chì” vẫn được áp dụng rộng rãi ngày nay.


Hình ảnh mô tả toàn bộ quá trình sản xuất bút chì.

Nhà máy sản xuất bút chì đầu tiên trên thế giới nằm tại Nuremberg, Đức, chính thức bước vào sản xuất từ năm 1662. Với bề dày truyền thống trong việc sản xuất bút chì, ngày nay, bút chì Đức vẫn là một trong những loại bút chì uy tín nhất thế giới.

Đơn giản nhưng đầy quyền lực

Bút chì chính là một trong những đại diện cho sức mạnh của sự đơn giản.

Vào thập niên 1970, NASA đã chi hàng triệu USD để nghiên cứu một loại bút đặc biệt, giúp các phi hành gia có thể viết được trong tình trạng không trọng lực. Trong khi đó, người Liên Xô sử dụng phương pháp đơn giản hơn để đạt được mục đích là bút chì truyền thống.


Không gì thuận tiện hơn bằng việc viết bằng bút chì. Cũng chính vì lí do này mà các nhà văn lớn đều thích sử dụng bút chì để ghi lại ý tưởng. Ernest Hemingway, tác giả của các tác phẩm nổi tiếng như "Giã từ vũ khí" hay "Ông già và biển cả"... rất thích dùng bút chì để phác họa ý tưởng cho các tiểu thuyết của mình.


Nhà văn John Steinbeck mỗi ngày đều phải gọt 24 cây bút chì, phục vụ cho việc sáng tác của mình. Và tác phẩm "Phía đông vườn địa đàng" nổi tiếng của ông đã “ngốn” hết 300 chiếc.


Bức tranh "The House" nổi tiếng của danh họa Van Gogh được thể hiện bằng bút chì.

Danh họa Vincent van Gogh thì chỉ sử dụng bút chì hiệu Faber - Castell nổi tiếng vì "màu đen tuyệt đối" đầy mê hoặc của chúng.

Bút chì không chỉ được dùng để viết và vẽ. Với nghệ thuật sắp đặt, ngày nay, chính bản thân cây bút chì đã làm nên nghệ thuật. Thậm chí, vỏ gọt bút chì gọt ra cũng làm thành những hình ảnh làm say lòng người.



Các tác phẩm nghệ thuật làm từ bút chì và vỏ gọt bút chì.

Funfact về bút chì

Mỗi năm, hơn 14 tỉ cây bút chì được sản xuất trên thế giới. Số bút này đủ để xếp vòng quanh trái đất 62 lần.

Một chiếc bút chì bình thường có thể vẽ được một đường thẳng dài 113km.

Mãi đến 100 năm trước đây, bút chì mới có đầu tẩy. Người ta quan niệm rằng, đầu tẩy sẽ khiến học sinh hay mắc lỗi hơn.

Cây bút chì lớn nhất thế giới được làm ra tại Ashrita Furman, New York, Mỹ. Chiếc bút này dài 23,16m, nặng gần 10 tấn và trị giá 20.000USD (tương đương 420 triệu VNĐ). Hiện tại, nó đang được trưng bày tại Bảo tàng Thánh Louis.


Cùng tìm hiểu quy trình sản xuất bút chì đầy hay ho thôi nào!
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày