Các bạn có biết rằng tại hai vùng cực của Trái đất -
Bắc Cực và Nam Cực - Mặt trời chỉ mọc và lặn một lần duy nhất trong năm? Điều này có nghĩa, trong vòng 6 tháng liền hai khu vực này sẽ chìm trong đêm tối.
Mùa đông tại Bắc Cực là màn đêm lạnh lẽo kéo dài 6 tháng
Trước kia giới khoa học đã thực hiện vô số cuộc thám hiểm tại hai khu vực này, tuy nhiên hầu như tất cả đều diễn ra trong mùa hè - quãng thời gian “ban ngày” tại vùng cực.
Vậy còn ban đêm thì sao? Điều này vẫn còn là bí ẩn - cho đến khi nghiên cứu của ĐH Arctic (Na Uy) được công bố.
Nghiên cứu về “đêm trường” tại Bắc Cực
Nghiên cứu của ĐH Arctic được thực hiện với hơn 100 nhà nghiên cứu, kéo dài trong 3 mùa đông. Giáo sư Jorgen Berge, tác giả nghiên cứu cho biết: “Chúng ta vẫn luôn giả định rằng mọi hoạt động khi màn đêm tại đây diễn ra đều ngừng lại, hệ thống sinh vật sẽ rơi vào trạng thái ngủ đông, đợi ánh Mặt trời quay lại sau 6 tháng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lại khiến không ít người phải kinh ngạc bởi đêm trường ở Bắc Cực sống động hơn ta tưởng rất nhiều”.
Xác cá tuyết bị các sinh vật biển phân hủy vào mùa đông ngày đầu tiên...
Rất nhiều sinh vật tý hon sử dụng quãng thời gian này để sinh sản. Trong khi đó, vô số loài sò, ốc tiếp tục công cuộc săn mồi, ăn và phát triển.
Hay cả những loài chim biển như chim anca và chim uria - loài có họ gần với chim cánh cụt thay vì bay xuống phương Nam tránh rét cũng ở lại đây, săn mồi một cách điêu luyện trong bóng tối.
Bere cho biết: “Chúng không phải là những cá thể đơn lẻ bị đàn bỏ lại. Trái lại, chúng đang sống rất tốt, có thể săn mồi trong bóng tối”.
Video dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn quá trình này.
Sự sống ban đêm tại vùng cực còn sôi động hơn ban ngày
Trong quá trình quan sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy ở một số lĩnh vực, các hoạt động ban đêm tại vùng cực còn sôi động hơn ban ngày. Theo giáo sư Berge: “Sự đa dạng sinh học tại các vùng nước nông đã tăng lên”.
Chuyến thám hiểm vào tháng 1/2013, tiến sĩ Kim Last thuộc Hiệp hội Khoa học Đại dương Scotland cũng cho kết quả tương tự.
Ông cho biết: “Kết quả nghiên cứu trái với những gì chúng ta thường nghĩ. Sự sống tại Bắc Cực vào mùa Đông vẫn rất sôi động. Mỗi thước phim quay được đều thực sự gây kinh ngạc. Rất nhiều sinh vật vẫn đang săn mồi, trong đó có cả các loài chim biển”.
Chim anca - cùng họ với chim cánh cụt nhưng bay được - có khả năng lặn rất điêu luyện
Tiến sĩ Donatella Zona, nhà sinh vật học thuộc ĐH Sheffield (Anh) cũng rất ấn tượng với kết quả này. Theo Zona, việc có các hoạt động sống tại vùng Cực vào mùa Đông là có thể xảy ra, nhưng việc mức độ hoạt động tương đương với mùa Hè thì lại khác.
Chim uria - loài chim thường bay về phương Nam vào mùa đông tại Bắc Cực, nhưng hóa ra vẫn ở lại
Tuy nhiên, theo Berge thì có một sự thật khá “mỉa mai”, đó là hiện tượng băng tan do thay đổi khí hậu đã giúp nghiên cứu được thực hiện dễ dàng hơn.
Berge nói: “Nếu là 10 năm trước kia, mùa Đông tại Bắc Cực sẽ tràn ngập băng giá và việc nghiên cứu sẽ trở nên bất khả thi”.
Mùa Đông tại Bắc Cực cũng sôi động không kém gì mùa hè
Chính vì thế Berge cũng cho rằng, hiện vẫn chưa thể xác định việc nhiệt độ thay đổi trong các năm vừa qua có ảnh hưởng gì đến hệ thống sinh vật tại đây hay không.
Nhưng dù sao, kết quả này cũng khiến chúng ta phải thay đổi cách nhìn về mùa đông tại vùng cực. Theo giáo sư Peter Convey thuộc Cục Khảo sát Cực Bắc: “Chúng ta đã đánh giá quá thấp giai đoạn mùa đông vùng cực. Rõ ràng là đối với sinh vật sống không phụ thuộc vào ánh Mặt trời thì mùa Hè hay mùa Đông tại đây sẽ không quan trọng vì đều... lạnh như nhau”.
Nguồn: BBC