Màn biểu diễn rắn đặc sắc ở Ấn Độ

Jeanny, Theo 09:59 07/04/2011

Chính là màn rắn múa theo tiếng nhạc mà chúng ta hay thấy trên phim đó. Cùng xem và khám phá bí mật của trò biểu diễn này nhé!

Tại Ấn Độ, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những người làm nghề huấn luyện rắn biểu diễn tại các khu chợ hay trên các con phố. Việc nuôi những con rắn độc chết người để biểu diễn là nghề gia truyền của rất nhiều gia đình Ấn Độ từ hàng trăm năm nay.
 
Tận mắt nhìn thấy một người huấn luyện rắn khéo léo sử dụng nhạc cụ của mình để khiến những con rắn hổ mang hay rắn lục hung dữ “lắc lư” theo điệu nhạc quả là vô cùng ấn tượng với nhiều người.
 
 
Làm thế nào để họ có thể dùng cây sáo của mình mà khiến cho những con rắn hung tợn chịu ngoan ngoãn biểu diển như vậy?
 
Lời đồn đại cho rằng những con rắn có thể nghe và bị lôi cuốn theo tiếng nhạc. Nhưng sự thật thì rắn có thể nói là loài không có tai vì tai của chúng đã bị thoái hóa, không thể nghe thấy âm thanh được.
 
Bù lại, mũi của rắn lại rất nhạy cảm với rung động nên tiếng sáo chỉ là “chiêu” để đánh lạc hướng người xem mà thôi còn chính những cử động theo nhịp của người thổi sáo mới là yếu tố quyết định khiến rắn “múa máy” theo.
 
Xem họ "thuần phục" loài rắn ra sao này
 
Những người dụ rắn thường giữ rất nhiều các loài rắn cực độc làm vật nuôi trong nhà. Nguy cơ bị cắn là rất cao nên với một số loài đặc biệt nguy hiểm như rắn hổ mang, nhiều người đã phải loại bỏ răng nanh và tuyến nọc độc của nó để đề phòng nguy hiểm.
 
Còn với đa số các loài khác, người làm nghề này lựa chọn cách giữ một khoảng cách an toàn với con rắn thay vì huấn luyện để chúng trở nên thuần tính hơn vì làm như vậy màn trình diễn sẽ kém hấp dẫn hơn. Nguy hiểm luôn rình rập như vậy nhưng với nhiều người đó là sự đam mê và cũng là lựa chọn để nuôi sống gia đình họ.
 

Tuy nhiên, việc huấn luyện rắn biểu diễn gần đây đã bị cấm vì người ta cho rằng đây là một hành vi ngược đãi động vật, vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã. Chính phủ Ấn Độ đã chính thức cấm việc hành nghề này vào năm 1991 làm hàng trăm nghìn người lâm vào tình cảnh lao đao.
 
Nhưng vì đây là một phong tục truyền thống văn hóa lâu đời nên do đó chính phủ Ấn Độ cũng đã cố gắng nới lỏng luật cấm để phục hồi nghề này tại một số ngôi làng và cho phép họ được biểu diễn vào những dịp hay sự kiện đặc biệt.
 
Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng với những người huấn luyện rắn, những người đã bất chấp những nguy hiểm tính mạng để quyết tâm gắn bó với nghề dù rằng tương lai phía trước của họ vẫn còn đầy bấp bênh. 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày