Lý giải việc bóng bay "bẻ cong" dòng nước, hét vỡ ly

Việt Anh, Theo Mask Online 00:00 26/04/2012
Chia sẻ

Và cả vụ “nhìn gà hóa cuốc” các chú cá dưới nước, tóm đạn bằng tay nữa...

Cuộc sống hàng ngày có những hiện tượng dường như rất quen thuộc song không phải ai cũng hiểu lý do. Chúng ta cùng "nhặt nhạnh" một số hiện tượng đơn giản và tìm hiểu "vì sao lại thế" nhé!

1. Bóng bay “bẻ cong” được dòng nước


Đây là một thí nghiệm vật lý vui được tiến hành đơn giản. Bạn hãy chà xát quả bóng bay vào một miếng giẻ lau bằng len hoặc dạ và đưa quả bóng gần vào dòng nước nhỏ. Bạn sẽ thấy dòng nước bị “bẻ cong” về phía quả bóng bay. Vì sao lại thế nhỉ?


Nguyên nhân của hiện tượng trên chủ yếu là do ma sát. Việc cọ xát mảnh vải len hoặc dạ vào bề mặt quả bóng bay sẽ khiến cho bóng mang điện tích âm (hoặc dương, tùy vào vật đem cọ xát). Nước ở đây đóng vai trò như một vật dẫn, khi gặp phải vật tích điện thì nó bị phân cực, dẫn tới tình trạng dòng chảy bị “bẻ cong” như trong thí nghiệm trên. Ngoài ra, đóng góp vào sự chuyển động kì lạ của dòng nước còn có một phần hiệu ứng rất nhỏ của nguyên lý Bernoulli - tức là các phân tử khí chuyển động sinh ra một lực hút kéo theo những phân tử khác.

2. Hét lên có thể làm vỡ ly thủy tinh?


Anh Jaime Vendera là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng có khả năng kì diệu này. Âm thanh mà bạn phát ra khi đạt tới tần số thích hợp, tương ứng với bản thân sự dao động vốn có của chiếc ly thủy tinh sẽ dẫn tới hiện tượng cộng hưởng, tức là cường độ rung, biên độ dao động của chiếc ly thủy tinh ngày một lớn dần lên, đến mức nứt, vỡ.

Chiếc ống hút được sử dụng trong video chính là dụng cụ giúp cho nghệ sĩ dò được tần số thích hợp nhằm làm vỡ chiếc ly. Đây cũng chính là lời giải thích cho hiện tượng làm sập cầu của đoàn vệ binh khi đi đều qua cầu hay đàn kiến có thể làm gãy cành cây. 


3. Tại sao bạn “nhìn gà hóa cuốc” các chú cá dưới nước?

Khi nhìn một chú cá dưới làn suối trong veo, bạn dùng xiên và đâm xuống nước, trúng chỗ mục tiêu nhưng kết quả, 90% là trượt. Đây là kết quả của một hiện tượng vật lý đơn giản chứ không phải do trình độ của bạn kém đâu.


Đó chính là hiện tượng khúc xạ ánh sáng. Ánh sáng truyền từ vị trí con cá, qua mặt nước, vào không khí, tới mắt bạn đã đi qua mặt phân cách 2 môi trường trong suốt. Đó là nước và không khí nên bị khúc xạ. Hiểu đơn giản, đó là sự bẻ cong ánh sáng theo một đường khác chứ không phải là đường thẳng. Như thế, có nghĩa là vị trí mà bạn nhìn thấy chú cá dưới làn nước trong veo thực ra không có thật mà nó nằm ở một vị trí khác gần gần đó. Vì thế, việc bạn đâm trượt do “nhìn gà hóa cuốc” cũng là chuyện dễ hiểu mà thôi.


4. Chúng ta có thể tóm được đạn đang bay?

Có thể nói, đây là sự việc có thật 100%. Trong thời kì chiến tranh đế quốc, một viên phi công Pháp đang bay ở độ cao 2km đã vô tình đưa tay ra bắt một con côn trùng nhỏ và bàng hoàng nhận ra đó là một viên đạn của quân Đức. Chuyện này lý giải ra sao?


Nguyên nhân là bởi một viên đạn không phải bao giờ cũng bay với vận tốc 800-900m/s và găm vào người kẻ thù. Trên thực tế, khi chuyển động chịu sự ma sát lớn (từ không khí bên ngoài), tốc độ bay sẽ giảm dần và ở cuối đường đi, người ta đo được vận tốc của nó chỉ khoảng 40m/s. Như vậy, nếu anh phi công trên đang bay cùng chiều và vận tốc với viên đạn thì so với anh ta, viên đạn gần như không chuyển động và thật đơn giản để tóm được nó mà không hề tốn chút công sức nào. Tất nhiên, điều này còn phải phụ thuộc vào loại súng bắn đạn (tầm xa hay tầm gần) và một số điều kiện ngoại cảnh khác.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày