Lượn tự do, tới tháp "khóc mếu" và xem clip siêu "khủng"

Tôm & June, Theo 00:00 14/12/2011

Tất cả gói gọn trong bản tin cực hay ho ngày hôm nay!

"Bay lượn" tự do với Flyboard

Flyboard là tên của một loại tên lửa cá nhân dùng nước làm lực đẩy, được thiết kế bởi nhà vô địch môn lướt ván Franky Zapata. Nguyên lý hoạt động của Flyboard tương đối đơn giản: tên lửa này có hình dạng như một tấm bảng, cho phép bạn mang vào hai chân và sử dụng lực nước đưa người dùng lên độ cao tối đa khoảng 9m. Để đảm bảo đủ lực đẩy, Flyboard sử dụng động cơ 100 mã lực. Với một chút luyện tập, người dùng sẽ dễ dàng thực hiện được những động tác nhào lộn rất độc đáo trên không và trên mặt nước.



Trong video quảng cáo cho sản phẩm, Zapata đã cho chúng ta thấy được những màn nhào lộn 360° hoặc lao mình trên mặt nước như một chú cá heo.


Flyboard

Cách hoạt động của Flyboard khá giống một loại tên lửa cá nhân khác có tên là Jetlev khi cả hai đều dùng nước được bơm thông qua một đường ống dẫn, tạo ra lực đẩy. Nước được chuyển xuống tấm bảng bên dưới hai chân với lực rất mạnh, đẩy người dùng lên cao. Ngoài ra, hai ống dẫn nhỏ gắn vào hai tay có nhiệm vụ điều chỉnh hướng di chuyển.

Điểm khác biệt giữa hai loại tên lửa này nằm ở phần thiết kế. Trong khi Jetlev được mang vào lưng và có hình dạng khá giống với loại tên lửa cá nhân của điệp viên 007 thì Flyboard với hai ống dẫn điều hướng ở hai tay khiến chúng ta liên tưởng đến bộ giáp của Iron Man trong quá trình thiết kế. Điểm khác biệt còn lại giữa hai sản phẩm này chính là giá tiền. Và trong khi Jetlev có cái giá “cắt cổ” gần 100.000 USD (tương đương 2,1 tỷ VNĐ) thì Flyboard có mức giá mềm hơn với “chỉ” 6.600 USD (tương đương 138 triệu VNĐ).


Jetlev

Cả hai sản phẩm đều được tung ra thị trường trong dịp Giáng sinh năm nay.

Tác phẩm nghệ thuật phản ánh tâm trạng thành phố

Đã bao giờ bạn tò mò muốn biết “tâm trạng” của thành phố nơi mình ở? Vậy thì hãy đến đảo Lindau, Đức - nơi sở hữu tác phẩm public art khổng lồ có thể phản ánh buồn, vui của cư dân nơi đây. Fühlometer - tên tác phẩm (tiếng Anh: Feel – O - Meter, có nghĩa “cảm nhận từng mét") được tích hợp rất nhiều camera xung quanh chiều dọc tháp. Số camera này có nhiệm vụ ghi lại nét mặt của khách bộ hành ở khu vực lân cận. Dựa vào số liệu thu thập được, máy tính sẽ phân tích và ghi lại tâm trạng của người đó. Số lượng tâm trạng nào được ghi lại nhiều nhất sẽ được phản ánh trực tiếp trên gương mặt khổng lồ đặt tại đỉnh tháp.





Khuôn mặt này có 3 nét biểu cảm chính là tươi cười, chau mày khó chịu và lãnh đạm thờ ơ. Nét biểu cảm có thể thay đổi theo các chu kỳ từ vài giờ đến một ngày, tùy theo hiệu chỉnh của những người phụ trách dự án. Tác phẩm public art này được dựng từ năm 2010 dựa trên ý tưởng của 3 chàng kiến trúc sư Julius von Bismarck, Benjamin Maus, và Richard Wilhelmer. Fühlometer hiện đã trở thành nét đặc trưng của đảo Lindau.


Cùng xem tác phẩm này hoạt động như thế nào nhé!

Mãn nhãn video chuẩn gấp 4 lần full HD: TimeScape 4K


TimeScape 4K là một trong số các video thuộc bộ phim sắp ra mắt của nhà làm phim Tom Lowe. Cảnh quay chính của phim được thực hiện tại vùng Tây Nam nước Mỹ. Trong video, khung cảnh thiên nhiên vùng Tây Nam nước Mỹ hiện ra cực kỳ chân thực, khiến khán giả có cảm giác mình đang thực sự du lịch địa điểm này. Từng phân đoạn thác chảy, sóng biển vỗ vào gờ đá... kết hợp cùng nền nhạc hùng tráng, mang tới người xem một cảm nhận về vẻ đẹp kỳ vĩ đến khó tả.


Sử dụng kỹ thuật time-lapse, kỹ thuật quay phim giúp tua nhanh thời gian chuyển động của các vật thể, điều đặc biệt của video TimeScape này nằm ở độ phân giải 4K (4096x2304), gấp 4 lần so với độ phân giải full HD 1080p. Đi kèm với độ phân giải “khủng” như thế này là sự đòi hỏi về dung lượng “khủng” không kém: bạn phải dành ra hơn 500MB cho một video chưa đầy… 3 phút! Ngoài ra, để có thể nhận thấy được sự khác biệt giữa video 4K với video full HD, bạn cũng cần phải có một màn hình chuẩn 4K và máy chiếu chuyên dụng.

Bên dưới đây là một video time-lapse tuyệt đẹp khác của tác giả, được anh trích ra và chỉnh sửa từ project làm phim TimeScape của mình.


Video tuyệt đẹp này có tên "Núi ánh sáng".