Lời nguyền siêu nhân - giải mã vận đen bí ẩn

Quang Khải, Theo Mask Online 00:01 03/04/2012
Chia sẻ

Những diễn viên từng vào vai siêu nhân trong loạt phim "Superman" hoặc là gặp tai nạn kinh hoàng hoặc là chết...

Trong lịch sử điện ảnh thế giới, siêu nhân - Superman không phải là một vai diễn mang tới nhiều may mắn cho những người thể hiện. Phần lớn những nam tài tử, diễn viên từng vào vai siêu nhân trong loạt phim điện ảnh cùng tên này đều gặp khó khăn, trắc trở trong cuộc sống. Họ, hoặc là gặp tai nạn kinh hoàng, hoặc là chết bất đắc kì tử vì những lý do cực kì bí ẩn… Đằng sau những “vận đen” này, liệu có tồn tại một "lời nguyền" vô hình?

Vận đen đeo bám 

Có lẽ loạt phim điện ảnh đình đám của Mỹ - “Siêu nhân” không còn quá xa lạ với chúng mình. Thậm chí, siêu nhân còn là thần tượng thời ấu thơ của không ít cậu bé với mơ mộng một ngày kia mình có tài phép, sức mạnh, lòng nghĩa hiệp như siêu nhân, đi cứu giúp những ai gặp hoạn nạn. Thế nhưng, đằng sau sự thành công của loạt phim đình đám “Siêu nhân”, không mấy ai biết tới bí ẩn về một "lời nguyền" gắn với số phận của những người có liên quan đến bộ phim. Nếu nạn nhân của "lời nguyền" này chỉ dừng lại ở con số 3 thì nó đã chẳng được mọi người quan tâm. Thế nhưng, con số đó đã không còn có thể đếm được bằng các đầu ngón tay khác nữa. Liệu đây chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên hay thực sự có một thế lực vô hình nào đưa “lời nguyền” này gắn với số phận của những “nạn nhân xấu số”?


Lời nguyền này bắt đầu xảy ra khi “Siêu nhân” được chuyển từ bộ truyện tranh đình đám cùng tên sang thể loại hoạt hình. Hai anh em Max Fleischer và Dave Fleischer - những người sáng lập ra xưởng phim Fleischer, cha đẻ của phim hoạt hình “Siêu nhân” - bỗng nhiên nảy sinh những mối hận thù, tranh cãi vô cớ. Công việc làm ăn của họ chính vì thế ngày càng bê trễ, doanh thu sụt giảm; để rồi cuối cùng, xưởng phim của họ đã bị Paramount Pictures thâu tóm. Mãi cho tới một thời gian dài về sau, người em Dave mới tìm lại được vị trí cố vấn hiệu ứng hình ảnh tại hãng phim Universal, còn người anh Max đã chết trong sự cô độc, nghèo túng tại một bệnh viện bình dân.

"Lời nguyền siêu nhân" liệu có tồn tại?

Nam tài tử George Reeves đã vào vai siêu nhân trong tập phim “Siêu nhân và người chuột” (Super Man and the Mole Men) phát hành năm 1951. Khán giả vì quá ấn tượng với lối diễn xuất của ông nên chỉ chấp nhận George duy nhất dưới hình ảnh một siêu nhân. Chính vì điều này mà các đạo diễn thời đó đều lắc đầu từ chối giao vai cho ông trong các phim khác. Vào ngày 16/6/1959, chỉ một tuần trước lễ cưới, ông đã bỏ mạng tại nhà riêng với một vết thương được gây ra bởi súng ngắn. Cơ quan điều tra công bố đây là một vụ tự sát, tuy nhiên điều này không được nhiều người chấp nhận. Họ tin rằng, đằng sau cái chết bí ẩn này của ông phải có một uẩn khúc nào đó. 

George Reeves trong tập phim “Siêu nhân và người chuột” (Super Man and the Mole Men) năm 1951.

Nam diễn viên Richard Pryor nổi danh trong phần phim "Siêu nhân" phát hành năm 1983 bằng một vai diễn phản diện. Chỉ sau 3 năm xuất hiện trên màn ảnh, ông công bố rằng mình mắc phải căn bệnh đa xơ cứng ( một căn bệnh có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, nó tấn công não bộ và tuỷ sống. Bệnh gây ra sự giảm sút về thần kinh kết hợp với việc hình thành sẹo trên lớp phủ ngoài của các tế bào thần kinh). Sau một cơn đau tim dữ dội vào ngày 10/12/2005, Richard qua đời. 

Richard Pryor (bên phải) trong phần phim "Siêu nhân" phát hành năm 1983.

Nhờ những cảnh quay xuất thần của mình trong phần phim "Siêu nhân" năm 1980, đến phần phim năm 1983, đạo diễn Richard Lester đã giành được quyền chỉ đạo sản xuất hoàn toàn bộ phim. Tuy nhiên, đến năm 1989, cái chết của một diễn viên trong khi quay bộ phim “Sự trở về của Lính ngự lâm” không hiểu sao đã khiến ông rơi vào cảnh mất trí nhớ và phải từ giã sự nghiệp. 

Nam diễn viên Christopher Reeve được coi là một trong số những người thành công với loạt phim nổi tiếng này. Ông bắt đầu thủ vai siêu nhân trong phần phim năm 1980 và liên tiếp 3 phần phim sau đó. Thế nhưng, sau tai nạn ngã ngựa năm 1995, ông bị bại liệt toàn thân. Sau một cơn nhồi máu cơ tim, ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 10/10/2004. 

Nam tài tử Christopher Reeve.

Thậm chí, có người nói rằng Tổng thống Mỹ - John Kennedy cũng là một nạn nhân của "lời nguyền" này. Lý do là bởi không lâu trước khi bị ám sát, vào tháng 4/1964, nhân viên của Tổng thống theo lời ông đã phê chuẩn việc xuất bản một câu chuyện về siêu nhân, trong đó, người hùng tham vọng có… thân hình lực lưỡng như Tổng thống Kennedy. 


Nhiều người cho rằng, nguồn gốc của "lời nguyền" bắt nguồn từ việc “bóc lột công sức lao động” của “cha đẻ” nhân vật siêu nhân. Jerry Siegel và Joe Shuster là hai người sáng tạo ra nhân vật này nhưng thu về được rất ít tiền bởi công ty truyện tranh DC Comics nắm giữ tất cả bản quyền bộ truyện. Chính vì lẽ đó, họ đã áp đặt "lời nguyền" lên nhân vật siêu nhân bởi họ cho rằng, bản thân mình bị đối xử quá bất công, không tương xứng với những gì mà họ đã cống hiến cho loạt phim đình đám này.
 
Cuộc chạy trốn "lời nguyền" và hành trình trở lại của “Siêu nhân”

Do khiếp sợ trước sức mạnh của "lời nguyền", rất nhiều đạo diễn và nam diễn viên đã từ chối nhận vai siêu nhân cho tập phim mới nhất, dù cát-xê dành cho họ có “khủng” đến mức nào. Rất nhiều dự án đã bị đóng băng, hoãn lại vô thời hạn.


Đầu tiên là dự án làm phim với đạo diễn Tim Burton và nam diễn viên Nicolas Cage nhưng cũng bị tạm ngưng suốt một thời gian dài sau đó. Tiếp đến là vị đạo diễn của “Giờ cao điểm” - Brett Ratner rất hào hứng khi “nhảy vào” làm phim nhưng đã thực sự “nổi cơn tam bành” khi không thể tuyển nổi các diễn viên chính. Họ liên tục từ chối vì lo ngại mình chẳng thể sống nổi cho tới khi bộ phim được hoàn thành. Cuối cùng, ông đành giã từ dự án này để tiếp tục gắn bó với “Giờ cao điểm”. Các diễn viên Brett Ratner, Brendan Fraser, Paul Walker, Jude Law, Josh Hartnett... đều từ chối nhận vai siêu nhân. Cuối cùng chỉ có Bryan Singer và Brandon Routh nhận lời, họ đã dũng cảm bước qua "lời nguyền" của “Siêu nhân” vì sự đam mê mãnh liệt. Là một fan của bộ phim truyền hình “Những cuộc phiêu lưu của Siêu nhân” đình đám những năm 50 của thế kỉ XX và thuộc lòng từng chi tiết của phần phim “Siêu nhân” có sự tham gia của nam diễn viên Christopher Reeve năm 1978, Bryan Singer chịu không ít sức ép vì "lời nguyền" khi thực hiện bộ phim này. Ông đã phải lao động vất vả trong vòng 10 năm để “Siêu nhân trở lại” có thể ra mắt khán giả. 


"Superman returns" (Siêu nhân trở lại) 2006 đã thành công vang dội, "đốt cháy" các rạp chiếu trên toàn cầu.

Và rồi, vào năm 2006, sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng đạo diễn Bryan Singer cũng đã mang “Siêu nhân trở lại” tới cho quý khán giả, hóa giải "lời nguyền" vô hình ám ảnh ekip làm phim và người xem sau hơn 50 năm trời. Và quả thật, đúng như mong đợi của vị đạo diễn tài ba, bộ phim đã khiến nỗi sợ về "lời nguyền" siêu nhân của mọi người dần lu mờ khi liên tục nhấn chìm các bảng xếp hạng phim lớn trên thế giới, “đốt cháy” các rạp chiếu trên toàn cầu. Dù tồn tại hay không, cũng không thể phủ nhận rằng, nhờ sức hút của "lời nguyền" bí ẩn này mà “Siêu nhân trở lại” mới có một thành công vang dội đến như vậy. 

* Bài viết có tổng hợp từ các nguồn: CNN, Paranoma, ABC News, Worldofsuperheroes, Wikipedia…

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày