Sau khi tiến hành nghiên cứu, Dario Piombino-Mascali và nhóm nhà nghiên cứu quốc tế ở Đức, Hoa Kỳ, Brazil đều đồng nhất quan điểm khi cho rằng, hầu hết các xác ướp này có một cuộc sống khá đầy đủ. Họ biết kết hợp cân bằng các loại thực phẩm giữa thịt, cá, ngũ cốc, rau quả và sản phẩm từ sữa.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận thấy dấu hiệu của chứng bệnh gout và bệnh về xương khớp ở những xác chết thuộc tầng lớp trung và thượng lưu trong xã hội. Piombino-Mascali nói thêm : "Tất nhiên, sự giàu có cũng không bảo vệ họ thoát khỏi tuổi già. Hơn 2/3 các cơ xương khớp có dấu hiệu bị thoái hóa".
Không dừng lại ở đó, Karl Reinhard - nhà khoa học pháp y tại ĐH Nebraska-Lincoln, Mỹ đã tiến hành chụp X-quang một người đàn ông 40 tuổi, sống vào đầu thế kỷ XIX. Nhà khoa học thực sự bất ngờ khi phát hiện người đàn ông này bị đa u tủy - một dạng của ung thư xương.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tìm thấy dấu hiệu của sự nhiễm trùng trong đường ruột xác ướp. Giả thuyết được đưa ra là người đàn ông bị ốm nên hệ miễn dịch bị tổn thương, và sau đó bị nhiễm bệnh do ký sinh trùng gây nên. Reinhard cho biết, "Tất cả những phát hiện này rất thú vị. Nó cho chúng ta hiểu hơn về chế độ ăn uống, nguyên nhân tử vong bên trong một xác ướp".
Phần lớn các xác ướp ở hầm mộ Sicily này chủ yếu là từ thế kỷ XIX trở về trước, được ướp xác theo các phương pháp thô sơ và đơn giản. Đầu tiên, các thi thể được đặt trên những thanh sắt được nung đỏ. Sau đó, qua thời gian, chất dịch từ xác thấm xuống cống nước thải ở dưới sàn nhà. Điều này có tác dụng làm khô xác chết. Khoảng một năm sau, người ta sẽ tắm các thi thể trong dấm, mặc quần áo và đặt họ trong hầm mộ.
Piombino-Mascali đang muốn nghiên cứu DNA trên các xác ướp để hiểu sâu hơn về những con người này. Tuy nhiên, ông cho rằng, độ ẩm, nhiệt độ sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả nghiên cứu trên các xác ướp. Vì thế, "chúng ta phải hành động để cứu các xác ướp, cần phải bảo tồn chúng".
"Ở Sicily, cái chết đã luôn được coi là một phần của cuộc sống. Trong nhiều thế kỷ, những người Sicily đã sử dụng ướp xác vì tin rằng, có một mối quan hệ liên tục giữa sự sống và cái chết", Piombino-Mascali nói thêm.