Lời giải khoa học cho hiện tượng "ruồi bay trước mắt"

, Theo Mask Online 00:00 03/09/2014
Chia sẻ

Có tới 70% dân số gặp phải hiện tượng "ruồi bay trước mắt" này.

Không ít người trong chúng ta gặp phải một hiện tượng lạ ở mắt, đó là xuất hiện những bóng mờ, hay sợi chỉ ngoằn ngoèo, các hình dây mảnh như mạng nhện treo lơ lửng trong mắt và di chuyển trước mắt trong khi mắt nhìn yên một chỗ. Nhiều người thường gọi hiện tượng này là "ruồi bay trước mắt".

Hình ảnh mô tả những bóng mờ, sợi chỉ ngoằn ngoèo di chuyển trước mắt trong khi mắt bạn nhìn yên một chỗ.

Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có tới 70% người dân gặp phải trường hợp này. Vậy, hiện tượng "ruồi bay trước mắt" là gì?



"Ruồi bay trước mắt" thực chất là những chất lắng đọng hoặc chất cô đọng ở trong dịch keo dạng thủy tinh của mắt. Các "chú ruồi" này có thể là những đốm, đường thẳng hay cong, có hình sợi dây mảnh, hoặc vòng cong như dạng chữ O hay chữ C. 



Có trường hợp người bệnh nhìn thấy một điểm mờ nhưng cũng có người nhìn thấy hàng chục điểm điểm mờ trong mắt. Các điểm mờ biết bay này có thể hiện diện ở một hay cả hai mắt. 

Khi người bệnh mắc hiện tượng này, phản xạ đầu tiên là họ sẽ cố gắng nhìn rõ bằng cách tập trung vào điểm đó nhưng điều này rất khó thực hiện bởi hình ảnh này không đứng yên mà di chuyển khi ta đảo mắt.


Người mắc bệnh sẽ thấy rõ những đốm nhỏ, vẩn đục hơn khi nhìn lên bầu trời quang đãng ban ngày.

Người mắc bệnh sẽ càng nhìn thấy rõ những điểm mờ hơn khi nhìn lên bầu trời quang đãng ban ngày hay nhìn vào một nền sáng, tờ giấy trắng. Đôi lúc, những "chú ruồi" này lại trốn vào trong một góc, thoát ra khỏi tầm nhìn của chúng ta.

Một vài hình ảnh ghi lại đốm nhỏ, vẩn đục của một người gặp phải hiện tượng bệnh lý "ruồi bay trước mắt".

Theo các chuyên gia, hiện tượng này xảy ra là do có sự lão hóa, đục dịch kính ở bên trong mắt. Tròng mắt là một hình cầu, phía trước bọc bởi một lớp trong gọi là kết mạc. Giác mạc lồi ra phía trước, trong suốt để lộ phía trong cầu mắt, tạo thành tròng đen. 

Cấu trúc của nhãn cầu.

Phía sau giác mạc theo thứ tự vào trong là khối thủy dịch, pha lê thể (hay còn gọi là dịch kính) và thủy tinh thể. Sau cùng, lót phía trong cầu mắt là võng mạc, nơi ánh sáng tác động lên nhiều đầu dây thần kinh hình nón và hình gậy.

Dịch kính là một khối gelatin đặc quánh, trong suốt (giống lòng trắng trứng) nằm giữa thủy tinh thể và võng mạc, chiếm khoảng 2/3 thể tích nhãn cầu. 


Dịch kính trong suốt và chiếm phần lớn thể tích nhãn cầu.

Dịch kính là một tổ chức gene trong đó có nhiều sợi rất mịn xếp theo nhiều hướng khác nhau nhưng không chắp nối. Theo thời gian, dịch kính bị thoái hóa dần, dịch lỏng lơn, một số sợi li ti của dịch kính co cụm lại với nhau, tạo thành các đốm nhỏ vẩn đục bên trong dịch kính. 

Những đốm này thay đổi về kích thước, hình dáng, chỉ số khúc xạ và mức độ di động. 



Các điểm mờ, vẩn đục, di chuyển liên tục trong mắt như "ruồi bay" là do các đốm nói trên tạo ra bóng tối trên nền võng mạc hoặc do sự khúc xạ ánh sáng khi đi qua chúng. Việc thoái hóa dịch kính được lý giải là sự lão hóa tự nhiên. 


Tuy nhiên cũng có trường hợp dịch kính bị viêm nhiễm, có ký sinh trùng xâm nhập hay mắt bị bong giác mạc. Bởi vậy nếu nhận thấy có sự xuất hiện của bệnh lý "ruồi bay trước mắt" thì bạn cần tới trung tâm, bệnh viện kiểm tra mắt kỹ hơn. 

Tùy tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành bơm bổ sung huyết thanh mặn để duy trì áp suất của nhãn cầu hay có thể xử lý những điểm mờ giúp bạn ít gặp rắc rối trong sinh hoạt nhất.

(Nguồn: IFLScience, Mayo Clinic)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày