Loài người ăn cỏ như bò từ 3,5 triệu năm trước |
Tổ tiên của loài người bắt đầu ăn cỏ sớm hơn nửa triệu năm so với các nghiên cứu trước đây, ngay sau khi họ rời khỏi cuộc sống trên cây.
Những họ người hominin đầu tiên, sống cách đây 3-3,5 triệu năm, thu nạp một nửa số dinh dưỡng cần thiết từ cỏ, không giống tổ tiên trước đó của họ, vốn thích trái cây và côn trùng.
Nồng độ carbon-13 cao trong xương của người Australopithecus bahrelghazali, sống ở các hoang mạc vào thảo nguyên gần hồ Chad ở châu Phi là dấu vết điển hình của việc con người ăn nhiều cỏ và cây lách.
Trước đó, có bằng chứng cho thấy việc ăn cỏ bắt đầu từ 2,8 triệu năm trước. Tộc người Ardipithecus ramidus, tổ tiên của người hominin, sống cách đây 4,4 triệu năm, không ăn cỏ.
Người Australopithecus bahrelghazali có thể ăn rễ cây, thân củ chứ không nhai các loại lá cỏ cứng. Việc thêm cỏ vào khẩu phần ăn có thể đã giúp họ rời khu vực sống của tổ tiên ở phía Đông châu Phi sang hồ Chad.
(Nguồn tham khảo: Newscientist)
Bí ẩn của những giấc mơ kỳ lạ |
Theo các nhà nghiên cứu về giấc ngủ, giấc ngủ và giấc mơ từ lâu đã là lĩnh vực luôn gắn với sự kỳ bí: các điềm báo hay biểu tượng, những nỗi sợ hãi và thôi thúc trong tiềm thức.
Tuy nhiên, thế giới đầy rẫy những khao khát, e sợ và xáo trộn phức tạp về tinh thần này có thể bắt nguồn từ các trải nghiệm hàng ngày của chúng ta.
Cấu trúc và nội dung của quá trình tư duy trông rất giống cấu trúc và nội dung của quá trình mơ ngủ. Chúng có thể là sản phẩm của cùng một cơ chế.
Họ phát hiện, các giấc mơ cho phép bộ não hoạt động thông qua những trải nghiệm có ý thức. Trong đó, bộ não dường như ứng dụng cùng cơ chế thần kinh đã được dùng ban ngày để đánh giá quá khứ, tương lai và những khía cạnh khác trong thế giới nội tâm của con người vào ban đêm.
Do đó, những gì chúng ta ghi nhớ là kết quả của các giấc mơ, chứ không phải điều ngược lại.
Các nhà nghiên cứu hy vọng, trong tương lai, khoa học có thể phát triển những phương pháp kiểm soát chức năng nhận thức được tăng cường bởi giấc ngủ, “biến giấc ngủ và giấc mơ thành công cụ dạy và học về những điều diễn ra lúc chúng ta có ý thức”.
(Nguồn tham khảo: Livescience)
Tranh cãi về sự giảm sút trí tuệ của loài người |
Một nhà khoa học Mỹ khẳng định, trí thông minh của nhân loại đang giảm dần, song nhiều nhà nghiên cứu phản đối giả thuyết của ông.
Gerald Crabtree, một nhà nghiên cứu của ĐH Stanford (Mỹ) cho rằng, con người ngày càng trở nên thông minh hơn nhờ áp lực tiến hóa từ môi trường.
Chẳng hạn, người tiền sử chỉ có thể tồn tại nếu họ săn bắt hoặc hái lượm giỏi. Vì thế họ luôn phải nghĩ cách nâng cao hiệu quả săn bắn và hái lượm.
Song từ khi con người sống trong những dân cư đông đúc từ vài nghìn năm trước, áp lực đó đã biến mất.
Giả thuyết của Crabtree vấp phải sự phản đối của nhiều nhà khoa học. Một số người lập luận rằng, trí tuệ của con người không giảm, mà chúng ta đang đa dạng hóa trí thông minh.
Thomas Hills, một nhà tâm lý của ĐH Warwick (Mỹ) nói rằng, những đột biến trong các gene quyết định trí tuệ không thể làm giảm trí thông minh.
Thay vào đó, cuộc sống tiện nghi ngày nay cho phép trí thông minh của con người phân chia thành nhiều loại. Con người ngày nay có trí thông minh về ngôn ngữ, xúc cảm, cơ thể, logic, không gian, âm nhạc. Một số người còn chỉ ra rằng chỉ số thông minh trung bình của loài người đã tăng trong vòng 100 năm qua.
Tuy nhiên, Crabtree khẳng định, chỉ số thông minh tăng do những thành tựu trong hoạt động chăm sóc thai sản, chế độ dinh dưỡng tốt hơn và việc con người hiếm khi phải tiếp xúc với những hóa chất có hại cho não.
(Nguồn tham khảo: Livescience)
Chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần ở Australia |
Hôm qua (13/11), hàng chục ngàn người đã đổ xô đến phía bắc Australia và nam Thái Bình Dương để tận mắt chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực toàn phần kéo dài trong vòng 2 phút 05 giây.
Hình ảnh nhật thực toàn phần được một nhà thiên văn học của Cơ quan vũ trụ Mỹ ghi lại ở Australia ngày hôm qua 13/11.
Hiệu ứng ‘"nhẫn kim cương" xuất hiện khi Mặt trời bị Mặt trăng che khuất ở Australia.
Khoảnh khắc Mặt trăng che lấp hoàn toàn Mặt trời khi quan sát từ miền bắc Australia.
Những người yêu thích thiên văn đứng để chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực toàn phần.
Mặt trăng biến Mặt trời thành hình lưỡi liềm.
Thời khắc Mặt trăng che kín Mặt trời.
(Nguồn tham khảo: Dailymail)