Nhắc tới
dơi, chúng ta nghĩ ngay tới loài động vật có khả năng bay lượn cừ khôi trong đêm tối nhờ định vị bằng sóng siêu âm. Nhưng đứng dưới góc độ y học, dơi làm ta nhớ tới một loài vật có hệ miễn dịch siêu việt.
Chúng là vật chủ của rất nhiều các
virus nguy hiểm: từ Hendra, Nipah, Marburg cho tới Ebola nhưng không hề mắc phải căn bệnh gây ra bởi những virus này. Thậm chí bằng rất nhiều con đường khác nhau, dơi gieo rắc những virus ấy khắp nơi, biến con người thành nạn nhân.
Dưới đây, hãy cùng lần theo dấu vết con đường mà loài động vật "Batman" này đã sử dụng để truyền virus sang con người.
Bước đầu tiên chính là việc dơi "nuôi dưỡng" càng ngày càng nhiều các loại virus truyền bệnh khác nhau. Theo các chuyên gia tới từ Đại học Pennsylvania, dơi có hệ miễn dịch tốt tới mức gần như không bao giờ bị các loại virus tấn công.
Vì thế, chúng trở thành vật chủ tự nhiên tuyệt vời. Virus nhiều bệnh sống ký sinh trong dơi, phát triển và biến đổi, chỉ chờ ngày được lây sang con người và các sinh vật khác để gây bệnh mà thôi.
Tiếp theo, dơi di cư về sinh sống gần các thành phố lớn, nơi tập trung đông đúc dân cư. Trên thực tế, chúng vốn là loài hoang dã, chỉ ưa sống ở nơi không có con người. Tuy nhiên, sự biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến loài này buộc phải tới các thành phố nơi có nhiều thức ăn hơn.
Ở một số địa điểm, các nhà khoa học thống kê rằng: số lượng dơi ăn quả đã tăng khoảng 4 lần trong vài năm trở lại đây.
Các nhà nghiên cứu cũng chứng minh rằng, một lượng lớn cá thể dơi dần dần không còn tìm ăn những đồ ăn trong môi trường hoang dã nữa. Thay vào đó, chúng chuyển sang tìm kiếm đồ ăn sẵn trong các bãi rác thải.
Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng thức ăn của chúng giảm đi, dơi dễ tiếp xúc với nhiều loại virus cũng như con người hơn.
Phần lớn các loại virus đều có mặt trong nước bọt của dơi. Vì vậy, khi cả đàn dơi cùng chia sẻ thức ăn, nguy cơ lây nhiễm virus từ cá thể dơi này sang con khác là rất cao.
Hậu quả là rất nhiều cá thể dơi cùng một lúc chứa virus gây bệnh. Nếu những virus này lây tới con người, chúng có thể gây nên một đại dịch lớn, bởi số lượng dơi trên thế giới không ngừng tăng lên.
Sau khi ăn, dơi thải ra ngoài môi trường phân và nước tiểu. Đối với các loài dơi ăn quả, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy chất thải của chúng dưới các gốc cây khác nhau. Và chắc chắn, virus gây bệnh có mặt trong đó, chờ đợi cơ hội lây nhiễm sang người.
Cỏ thường rất phát triển tại những nơi có nhiều phân dơi. Đó cũng chính là nơi con người thường chăn thả gia súc. Chuyên gia Raina Plowright và các đồng nghiệp chỉ ra rằng, chỉ cần bò, ngựa hay bất cứ loại gia súc nào uống nước hay ăn cỏ nhiễm phân dơi đều sẽ trở thành vật trung gian truyền virus.
Tại Malaysia, virus Nipah đã lây sang lợn sau khi loài này ăn phải bột trái cây nghiền nhiễm phân dơi. Ở Trung Phi, một số cá thể vượn được cho là vật trung gian truyền virus Ebola sang người sau khi ăn phải hoa quả mà dơi đã từng ăn.
Sau khi virus xâm nhập vào một cá thể gia súc, chúng có cơ hội tấn công cả đàn. Điển hình như ngựa, đây là loài có tập tính "giao tiếp" thường xuyên giữa các con trong đàn với nhau. Đặc điểm này khiến virus lây lan nhanh hơn với tốc độ chóng mặt.
Ở ngựa, một số cá thể có khả năng loại bỏ những nhiễm trùng ở màng nhầy của đường hô hấp. Nhưng phần còn lại thì không và trở thành vật chủ trung gian chứa virus gây bệnh.
Khi tiếp xúc với chúng, chủ nhân của những con ngựa này nói riêng và các loài gia súc khác nói chung có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Cuối cùng, virus từ một vài người sẽ lây truyền sang những người khác xung quanh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể như nước bọt, máu, nước tiểu, phân... Quá trình này thường diễn ra rất nhanh.
Điển hình như virus Ebola đã nhanh chóng bùng phát thành dịch bệnh lớn, gây nên nỗi kinh hoàng cho cả nhân loại. Một phần nguyên nhân là do virus trong cơ thể người bệnh thường không phát bệnh ngay lập tức. Khi các triệu chứng phát ra bên ngoài, đó là khi virus đã được truyền đến rất nhiều người khác.
Nguồn: Discovery, Wikipedia