Vào ngày 18/3, 2 ngày sau khi bị mắc cạn tại vùng biển Nam Đại Tây Dương, con tàu M.S.Oliva với gần 1.500 tấn dầu nguyên liệu đã gây ra một vụ tràn dầu lớn tạo thành những vệt dầu loang xa tới hơn 13 km. Đến ngày 23/3, vết dầu loang gần như đã tan hết nhưng hậu quả mà nó để lại thì vô cùng khủng khiếp và ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái tại hòn đảo Nightingale gần đó.
Đảo Nightingale thuộc lãnh thổ vùng Tristan da Cunha của Anh là nơi sinh sống của 200.000 chú cánh cụt Rockhopper, một loài quí hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng do sự giảm đáng kể số lượng loài này một cách bí ẩn trong 3 thập kỷ qua.
Phần lông trắng muốt, mượt mà nay loang lổ những vết dầu thâm đen
Vụ tràn dầu không chỉ đe dọa loài chim cánh cụt mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hàng triệu con chim biển và một số loài chim hoang dã khác đang cư trú tại đây. Hàng trăm con đã bị dính dầu trực tiếp và hơn 20.000 con khác bị tác động từ thảm họa môi trường này.
Các loài chim khác cũng cùng chung số phận
Người ta cũng cảnh báo về một thảm họa khác nếu loài chuột đang trú ngụ trên tàu M.S.Oliva tìm được đường trốn thoát lên đảo thì hậu quả là cực kì nghiêm trọng dẫn tới việc phá vỡ sự cân bằng sinh thái trên đảo. Các loại bẫy chuột đã được đặt trên tàu nhằm ngăn ngừa nguy cơ xấu nhất có thể xảy ra.
Các chú cánh cụt hăm hở đầy tinh thần bắt đầu cho cuộc hành trình mới
Cứ vào tháng 3 hàng năm, sau khi kết thúc mùa sinh sản và giai đoạn rụng lông định kì, những chú cánh cụt Rockhopper lại “hành quân” ra biển bắt đầu cho một chuyến di cư mới. Nhưng nay thì chúng đang nhất loạt tìm đường quay lại bờ do chúng bị nhiễm lạnh và không thể tiếp tục cuộc hành trình. Chim cánh cụt là một trong những loài vật chịu lạnh giỏi nhất hành tinh do lớp lông dày có tác dụng cách nhiệt giúp chúng chống chọi được với thời tiết băng giá của khí hậu vùng cực.
Quay lại bờ để lánh nạn với vết tích của thảm họa đã hiển hiện rõ rệt trên bộ lông
Những vết dầu bám làm dính bết sợi lông của chúng lại, triệt tiêu khả năng chống thấm nước tự nhiên khiến cho nước lạnh có thể xâm nhập vào lớp da bên trong của chúng. Việc này làm chúng bị giảm thân nhiệt và nếu tình trạng không được cải thiện sẽ dẫn đến tử vong.
Cũng trong ngày 23/3, thời điểm mà những bức hình này được chụp đã có nhiều chú chim cánh cụt bị chết do ảnh hưởng từ việc tiếp xúc với dầu loang trên biển.
Nếu so sánh với dầu thô, thì việc tràn dầu nguyên liệu cũng không khác là bao. Cơ bản mà nói thì dầu nguyên liệu bốc hơi nhanh hơn so với dầu thô tuy nhiên nó gây tác động xấu đến các loài chim nhanh hơn vì dầu nguyên liệu nhẹ và dễ dàng ngấm vào da của chúng hơn. Điều tồi tệ nhất là nó còn gây ra ngộ độc do tập tính của loài chim khi bị dính bẩn sẽ tự rỉa lông của mình để loại bỏ phần bị nhiễm bẩn và vô tình lại hấp thụ chúng vào trong người.
Hiện nay, Hiệp hội bảo tồn tự nhiên Tristan da Cunha đã cử những đội cứu hộ đến để giải cứu cho những chú cánh cụt bị mắc nạn và gửi về đất liền để kịp thời cứu chữa. Các chuyên gia về cứu nạn cho chim từ Hiệp hội bảo tồn loài chim biển vùng Nam châu Phi cũng sẽ tới đây trong tuần này để góp sức mình cải thiện tình hình.