Lật tẩy 6 lầm tưởng về thế giới chúng ta vẫn tin hàng ngày

J, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 02/02/2016

Đây là những lầm tưởng dù đã được khoa học lật tẩy rất nhiều lần nhưng dường như vô tác dụng với một số người.

Trải qua hàng ngàn năm, khoa học đã có những bước tiến vượt bậc, trong đó bao gồm việc "lật tẩy" được những lầm tưởng có từ bao đời nay mà ai trong chúng ta cũng tin.

1. Chó và mèo bị mù màu

Rất nhiều người hiện vẫn tin rằng thế giới của chó và mèo chỉ bao gồm hai màu: đen và trắng.

Lật tẩy 6 lầm tưởng về thế giới chúng ta vẫn tin hàng ngày - Ảnh 1.

Nhưng điều này là không đúng. Cả chó và mèo đều phân biệt được màu xanh lam và màu xanh lục. Ngoài ra, chúng còn có nhiều tế bào cảm nhận ánh sáng, cho khả năng nhìn trong bóng tối tốt hơn con người. Điều này đã được chứng minh qua những thí nghiệm từ thập niên 1960.

Lật tẩy 6 lầm tưởng về thế giới chúng ta vẫn tin hàng ngày - Ảnh 2.

Mô phỏng cách loài mèo nhìn thế giới

Tuy nhiên, khả năng nhìn của chó và mèo có đôi chút khác biệt. Mèo nhìn màu đỏ và hồng sẽ thành màu xanh lục, còn màu tím thì giống màu xanh lam.

Còn đối với chó, chúng có rất ít tế bào cảm thụ màu sắc nhưng vẫn đủ để phân biệt màu dù hình ảnh không sống động được như mắt người.

2. Cá vàng có trí nhớ cực ngắn, chỉ khoảng vài giây

Người ta hay sử dụng câu thành ngữ "não cá vàng" nhằm ám chỉ những người có trí nhớ siêu ngắn, chỉ như cá vàng thôi.

Lật tẩy 6 lầm tưởng về thế giới chúng ta vẫn tin hàng ngày - Ảnh 3.

Tuy nhiên vào năm 2008, Rory Stokes - một học sinh trung học Mỹ đã phá bỏ lầm tưởng này bằng một thí nghiệm nhỏ. 

Cậu bỏ một miếng Lego màu đỏ vào trong bể cá cảnh, rồi thả thức ăn cạnh đó. Lúc đầu, lũ cá sợ không dám lại gần, nhưng chỉ sau 3 tuần, chúng thậm chí còn lao đến ngay cả khi không có thức ăn ở đó.

Rory tiếp tục cho cá ăn bình thường khoảng 1 tuần sau đó, rồi mới đặt tiếp miếng Lego vào. Và thật ngạc nhiên, lũ cá vàng vẫn còn nhớ.

Lật tẩy 6 lầm tưởng về thế giới chúng ta vẫn tin hàng ngày - Ảnh 4.

Điều này có nghĩa rằng cá vàng có trí nhớ kéo dài cả tháng trời, không chỉ vài giây như nhiều người nhầm tưởng.

3. Sahara là hoang mạc lớn nhất Trái đất

"Hoang mạc" không có nghĩa là phải nóng và nhiều cát. Hoang mạc chỉ cần khô hạn và khắc nghiệt đã được gọi là hoang mạc.

Lật tẩy 6 lầm tưởng về thế giới chúng ta vẫn tin hàng ngày - Ảnh 5.

Và nếu dựa trên tiêu chí này, Sahara không phải là hoang mạc lớn nhất thế giới, mà danh hiệu này thuộc về... Nam Cực. Mỗi năm tại đây lượng mưa chỉ đạt khoảng 5cm, và có rất ít động vật sinh sống được. Diện tích của Nam Cực là 14 triệu km2, trong khi đó Sahara chỉ đạt 9 triệu.

Lật tẩy 6 lầm tưởng về thế giới chúng ta vẫn tin hàng ngày - Ảnh 6.

4. Một đồng xu thả từ nóc tòa nhà chọc trời có thể gây chết người

Rất nhiều người vẫn tin rằng gia tốc khi thả một đồng xu từ nóc tòa nhà Empire State (Mỹ) - một trong những tòa nhà cao nhất thế giới - có thể gây chết người.

Lật tẩy 6 lầm tưởng về thế giới chúng ta vẫn tin hàng ngày - Ảnh 7.

Chết - không chết?

Tuy nhiên, sự thực không giống như vậy. Tòa nhà Empire State cao khoảng 380m. Trong điều kiện không có không khí (tức là không có lực cản), đồng xu nặng khoảng 2gr khi rơi tự do sẽ đạt vận tốc rơi vào tầm 300km/h khi chạm đất.

Nghe có vẻ "khủng" đúng không? Nhưng qua các thử nghiệm, ngay cả khi bắn một đồng xu với vận tốc... 1.000km/h cũng không thể xuyên thủng da người, dù gây đau đớn không tả xiết.

Và nếu có lực cản không khí, đồng xu sẽ chỉ đạt vận tốc khoảng 80km/h mà thôi. Mà thậm chí ngay cả khi đồng xu được thả từ máy bay ở độ cao 10.000m cũng không thể gây tổn hại đến tính mạng của con người.

5. Ăn đường nhiều sẽ gây "tăng động"

Chúng ta vẫn thường thấy cảnh các bà mẹ ngăn cản trẻ em ăn đồ ngọt, vì đó là nguyên nhân khiến chúng như "tăng động", quậy phá không yên.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhưng không tìm thấy bất kỳ liên hệ nào giữa việc ăn nhiều đường và chứng "tăng động" ở trẻ em.

Lật tẩy 6 lầm tưởng về thế giới chúng ta vẫn tin hàng ngày - Ảnh 8.

Theo các chuyên gia, lầm tưởng này có thể xuất hiện từ năm 1974, do bác sĩ người Mỹ - William Crook công bố. Dù đến nay vẫn rất nhiều người tin, nhưng không có nghiên cứu nào chứng minh được điều đó là đúng sự thật.

6. Con người chỉ sử dụng được 10% não bộ

Đây là điều đã được các nhà khoa học "vạch trần" rất nhiều lần, nhưng dường như... không ăn thua.

Lật tẩy 6 lầm tưởng về thế giới chúng ta vẫn tin hàng ngày - Ảnh 9.

Sự thực là mỗi khi chúng ta tập trung làm một điều gì đó, toàn bộ các khu vực trong não bộ đều được vận dụng. Và dù não bộ chỉ chiếm 3% khối lượng cơ thể, nó tiêu tốn tới 20% năng lượng.

Đó cũng chính là lý do vì sao chúng ta hay cảm thấy đói mỗi khi phải thức đêm học bài.

Nguồn: Business Insider