Khi động vật quý hiếm "sập bẫy" camera

Skinny V, Theo 10:23 03/08/2011

Trong đêm tối đen như mực, một loạt những loài động vật thuộc hàng "siêu quý hiếm" đã lộ diện.

Vào buổi sáng, rất khó có thể chụp lại được những tấm hình về động vật tại Châu Phi do chúng đều ẩn nấp để tránh nguy hiểm, thế nên những nhà nghiên cứu về động vật tại Trung tâm động vật học London (ZSL) đã "cài cắm" những máy quay trong khu rừng để có thể chụp lại những bức ảnh sống động nhất về thế giới động vật, chúng mình cũng nghía qua những tấm ảnh này nhé.

Báo đốm "sốc" do bất ngờ


Một chú báo Châu Phi ở khu vực phía Bắc Kenya dường như quá bất ngờ khi “bị” chụp hình thế nên đã há hốc miệng trong sự ngạc nhiên của chú. Chú báo này là một trong số những loài động vật được phát hiện trong cuộc khảo sát về động vật ở rừng Boni, Dodori, Kenya - khu vực nằm giữa sông Tana và biên giới với Somali.

Hươu Aders


Tiếp theo trong bộ ảnh khám phá rừng Boni, Dodori lần này là loài hươu Aders của Châu Phi, trước khi có mặt ở đây các nhà khoa học đã thống kê và được biết loài hươu hiếm này chỉ sống ở hai khu rừng nhiệt đới ở Zanzibar và một khu rừng nữa thuộc Kenya. Hiệp hội bảo tồn động vật quốc tế đã liệt loài động vật này vào danh sách báo động do số lượng của chúng đã giảm từ 5.000 xuống chỉ còn 1.000 trong hai thế kỉ gần đây.

Những anh bạn gai góc


Cậu nhím gai góc trong tấm ảnh này là một trong số những loài động vật “va chạm” với máy ghi hình nhiều nhất tại khu vực rừng Boni, Dodori.

Khu vực này cũng là nơi mà người bản xứ Boni sinh sống, săn bắt và trồng trọt là những hoạt động nuôi sống họ cùng gia đình nên họ sống dựa vào khu rừng là chủ yếu. Tuy nhiên, theo thống kê gần đây thì dân số của người bản xứ đã giảm rất nhanh, từ 20.000 người trong năm 1950 đến nay chỉ còn 4.000 người đang sinh sống tại khu vực này.

Làm trò cùng những chú khỉ đầu chó


Một nhóm khỉ đầu chó tụ tập xung quanh chiếc máy chụp hình và rất tò mò với việc mà chiếc máy đang làm. Trong cuộc khảo sát lần này có 52 máy chụp hình được chia đều trong 2.000 km vuông tại rừng Boni thế nhưng sau khi thu hồi lại những chiếc máy chụp hình này để thống kê thì hầu như máy nào cũng có hình của những chú khỉ này với bộ dạng tò mò trước ống kính.

Chú linh miêu tò mò


Linh miêu, một họ hàng của loài mèo, hiện đang sống tập trung rất nhiều trong các cánh rừng ở Châu Phi. Khác với những anh bạn to lớn của mình như hổ, sư tử hay báo thì số lượng của linh miêu lại khá lớn và những anh bạn tinh nghịch này không được người dân bản địa ưa thích lắm do hay “trèo tường ăn trộm” thức ăn cũng như chén sạch hết đàn gia cầm mà người dân ở đây tốn rất nhiều công sức mới nuôi dưỡng được.

Cuộc hành trình của voi


Đây là hình ảnh một chú voi đang luồn lách qua những cành cây ở khu rừng Boni. Và theo thống kê hiện nay thì kích cỡ của loài voi ngày càng giảm sút do nguồn thức ăn ít dần, nơi ở của chúng càng ngày càng thu hẹp vì người dân ở đây phá rừng trồng trọt, cây cối bị đốn gãy để sản xuất than.

Chính quyền Dodori đang lên kế hoạch xây dựng đường ray tàu hỏa, những cảng đường thủy và thậm chí là cả một sân bay ở đảo Lamu gần đó, và tất nhiên việc xây dựng này chắc chắn sẽ mở rộng sang tới khu rừng Boni, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hệ sinh thái nơi đây.

Chuyến săn đêm của sư tử


Những chú sư tử Châu Phi cũng đang được liệt vào danh sách báo động của Hiệp hội bảo vệ động vật quốc tế. Mặc dù người ta vẫn thấy bóng dáng của những chú sư tử này trong phạm vi 4,5 triệu km vuông trên toàn Châu Phi, thế nhưng số lượng sư tử còn lại ở Châu Phi là rất ít do nạn săn bắt trộm, lượng con mồi của chúng ngày càng giảm và những vụ tự vệ do bị sư tử tấn công ngày càng tăng.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày