Như đã
đưa tin, vào ngày 30 tháng 6 năm 2015, cả thế giới sẽ được trải nghiệm một phút kéo dài 61 giây. Hay nói đơn giản, vào lúc 23h 59 phút 59 giây, các
đồng hồ trên thế giới sẽ thêm một giây, đưa tổng số giây năm 2015 lên 31.536.001, chứ không phải 31.536.000 giây như bình thường.
Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi, lý do gì khiến ngày 30/6 lại phải kéo dài thêm một giây không? Và điều này liệu có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chúng ta? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn lý giải sự kiện kỳ thú này.
Chuyển động của Mặt trời chậm hơn 2/1.000 giây mỗi ngày
Chúng ta biết rằng, quả địa cầu xoay một vòng quanh trục mất 86.400 giây. Tuy nhiên, tư thế nghiêng của quả đất lại bị lực hút của Mặt trăng, Mặt trời, thủy triều tác động, khiến thời gian tự xoay của Trái đất đang dần chậm lại với tốc độ khoảng 2/1.000 giây mỗi ngày, giảm vài phần trăm giây mỗi năm.
Do đó, thời gian Trái đất sẽ chậm hơn so với Thời gian Nguyên tử Quốc tế (TAI) vốn sử dụng dao động của các nguyên tử để tính toán dựa trên máy móc, đo thời gian với độ chính xác vài nghìn tỷ phần giây.
Việc thêm một giây được coi là giúp giờ Trái đất bắt kịp giờ nguyên tử như trước đây vốn chậm 2.000 giây mỗi ngày. Để đồng bộ tất cả, việc cần thiết là thỉnh thoảng điều chỉnh lại thời gian của Trái đất, cũng giống như việc thêm năm nhuận vậy.
Ông Daniel MacMillan - một nhân sự đang làm việc cho NASA chia sẻ vào thời kỳ khủng long, Trái đất chỉ mất 23 giờ để hoàn thành một vòng quay.
Tuy nhiên với việc Trái đất dần quay chậm lại, đến năm 1820, thời gian để hoàn thành một vòng quay đã là 24 giờ. Được biết, năm 2015 sẽ là lần thứ 26 một giây được thêm vào đồng hồ thế giới kể từ năm 1972.
Theo các nhà khoa học, việc bổ sung thêm 1 giây để đồng bộ hóa với đồng hồ nguyên tử không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống con người nhưng phần nào lại ảnh hưởng đến thiết bị điện tử như máy tính, hệ thống máy chủ, internet...
Khi được hỏi về việc đồng bộ các đồng hồ máy tính - John Engates - giám đốc công nghệ của Rackspace cho biết, việc giữ các đồng hồ máy tính đồng bộ thời gian không phải chuyện đơn giản bởi không phải tất cả đồng hồ sẽ được thêm giây nhảy với cùng cách hay cùng một thời điểm.
Khi đó, các hệ thống máy tính sẽ “bối rối” khi đồng hồ hiển thị giây thứ 60 hoặc nhảy giây 59 hai lần trước khi sang 00. Ở cả hai trường hợp đó, máy tính sẽ nghĩ logic rằng, đang có một điều gì đó bất hợp lý xảy ra và nó sẽ ngưng hoạt động hoặc cũng có trường hợp hệ thống bị lỗi khiến đơn vị xử lý trung tâm quá tải.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định rằng, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta đồng bộ hóa thời gian. Kể từ năm 1971 đến nay đã có 25 lần bổ sung thời gian, lần gần đây nhất được thực hiện vào ngày 30 tháng 6 năm 2012.
Mặc dù, nguy cơ Internet bị ảnh hưởng vẫn tiềm ẩn nhưng theo giới khoa học máy tính sẽ có những phương pháp để có thể khắc phục sự cố này.
Có một điều chắc chắn là cả thế giới sẽ được trải nghiệm cảm giác một phút kéo dài 61 giây vào hôm nay. Và chúng ta hãy chờ xem liệu thế giới sẽ biến đổi ra sao nếu có thêm 1s nhé! Bí mật này nhất định sẽ được bật mí!
Nguồn: IFLScience, BusinessInsider