Hội chứng khiến chúng ta "sợ hãi" khi học toán

Minh Khánh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 07/07/2015
Chia sẻ

Không ít người toát mồ hôi hột, cắn móng tay thậm chí sợ hãi tột cùng khi chỉ vừa nghe tới hai từ toán học.

Bạn chưa bao giờ đạt điểm cao môn toán cũng như là luôn gặp rắc rối với những con số trong cuộc sống bình thường? Rất có thể bạn đã mắc hội chứng đầy nguy hiểm này.

Hội chứng “sợ hãi toán học” được định nghĩa là cảm giác căng thẳng, lo lắng mỗi khi phải thao tác với các con số. Đôi khi còn xảy ra khi bạn giải quyết các vấn đề mang tính toán học trong cuộc sống bình thường và học tập.



Những người mắc hội chứng này thường xuyên cảm thấy bàn tay ướt đẫm mồ hôi, đầu óc trống rỗng khi phải làm những bài kiểm tra toán. Thậm chí một số người chỉ cần nhìn vào các hóa đơn tính tiền cũng đã cảm thấy hoảng loạn.

Ban đầu hội chứng chủ yếu được các nhà tâm lý nghiên cứu ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, họ nhận ra rằng nhiều người lớn và ngay cả sinh viên đại học cũng mắc phải. 


Các nghiên cứu gần đây cho thấy những người mắc chứng “sợ hãi toán học” chẳng hề gặp nguy hiểm gì mỗi khi tiếp xúc với các con số hay công thức. 

Tuy nhiên cơ thể họ lại phản ứng giống như đang bị đe dọa. Bao gồm cả việc tiết kích thích tố căng thẳng như cortisol, sẵn sàng cho hành động “chiến đấu hoặc bỏ chạy”. 

Nguyên nhân sâu sa của "nỗi sợ hãi toán học"

Tại sao toán học lại tạo ra sự sợ hãi lớn như vậy? Có thể vì trong toán học chỉ có một câu trả lời là đúng hoặc sai, không có đáp án trung gian. Do đó môn học này khiến người ta lo lắng nhiều hơn về việc làm sai. 



Mặc dù vậy, đây chỉ là nỗi sợ hãi không có cơ sở, gây ảnh hưởng tiêu cực lên khả năng tính toán. Sự sợ hãi làm suy yếu hoạt động phần vỏ não trước trán, khu vực có vai trò giải quyết các quá trình trừu tượng. 

Vì vậy mà khả năng làm việc của trí nhớ ngắn hạn bị giảm đi. Điều đó cũng cho thấy những đứa trẻ sợ toán gặp khó khăn hơn trong việc tập trung và suy nghĩ về các phép tính. Chính sự lo lắng đã bóp nghẹt khả năng làm toán của chúng.

Nguyên nhân sợ hãi có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng phổ biến nhất là quan điểm giáo viên có thể truyền những lo âu của họ cho học trò. 


Trẻ em có thể cảm nhận được khi người lớn cảm thấy lo lắng và bắt đầu nghĩ rằng mình cũng cần phải dè chừng hơn. Ngoài ra còn có lý do văn hóa, các cô gái có nhiều khả năng bị “sợ hãi toán học" do bị ảnh hưởng quan niệm phái nữ thì không giỏi toán. 

Bên cạnh đó, yếu tố gene cũng có thể ảnh hưởng, khiến bạn bẩm sinh đã thấy khó chịu và phản ứng với toán học như một mối đe dọa.



Các nhà tâm lý thường điều trị các hội chứng sợ hãi bằng liệu pháp ác cảm, trong đó bạn buộc phải đối mặt với nỗi sợ hãi của mình để cố gắng học cách đối phó. 

Tuy nhiên, liệu pháp này gần như không hiệu quả với chứng “sợ hãi toán học”. May mắn là còn có các liệu pháp khác như việc viết cảm xúc ra giấy. 

Nhiều nghiên cứu tìm thấy rằng việc nói ra nỗi sợ hãi có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn hơn. Một lớp học, trong đó các học sinh được yêu cầu viết ra nỗi sợ hãi của mình trước kỳ thi, đã cải thiện điểm số trung bình từ B- lên B+.



Ngoài ra còn có biện pháp “tái định hình sự sợ hãi”. Ví dụ như việc khuyến khích trẻ em xem bài kiểm tra như một thách thức, không phải một mối đe dọa.

Vậy lần sau, nếu nghĩ mình là một người dở tệ môn toán, bạn hãy xem xét kĩ liệu đó là khả năng thực tế, hay chính nỗi sợ đã khiến bạn kém đi. Nếu rơi vào trường hợp hai, hãy cải thiện nỗi sợ của bạn bằng các liệu pháp tâm lí nêu trên xem sao. 

Và bí kíp giúp bạn đánh tan nỗi sợ môn toán

Bạn có thể tự mình thực hiện một số phương pháp sau để giảm bớt nỗi sợ hãi toán học:

- Học các kỹ thuật kiểm soát căng thẳng và thư giãn: kỹ thuật như thở sâu và thiền có thể giúp bạn thư giãn trong bất kỳ trường hợp căng thẳng nào nên dĩ nhiên chúng cũng rất có ích trong trường hợp căng thẳng thần kinh do chứng “sợ hãi toán học”.



- Giải quyết những phần dễ trước: xây dựng sự tự tin của bạn với toán học bằng cách bắt đầu làm từ những câu mà bạn hiểu rõ nhất trong bài tập hoặc bài kiểm tra. Việc này giúp bạn thư giãn và an tâm hơn khi giải quyết những câu mức độ khó cao hơn.

- Chuyển sự lo lắng sang thứ khác: hãy giải phóng trí óc của bạn bằng cách giảm bớt một số phản ứng gây stress, chẳng hạn đứng dậy và đi vòng quanh hành lang một vài phút trước khi bạn sắp làm một bài kiểm tra toán.

- Chuẩn bị trước từ sớm: nếu bạn cố gắng nhồi nhét các công thức, phương trình… một cách quá nhanh chóng thì bạn cũng sẽ dễ quên chúng. Dành thời gian ôn vừa phải giúp bạn hiểu tốt hơn và ít quên hơn khi bị căng thẳng.


- Cố gắng để hiểu hơn là cố thuộc lòng các khái niệm toán học: thứ đầu tiên bị ảnh hưởng khi bạn căng thẳng chính là bộ nhớ ngắn hạn. Do đó điều quan trọng cần biết toán học không chỉ là một tập hợp các quy tắc bạn cần ghi nhớ mà mỗi khái niệm được xây dựng dựa trên những gì có trước đó. 

Nếu bạn hiểu được lý do đằng sau các quy tắc, bạn sẽ nhớ các khái niệm tốt hơn và có thể áp dụng trong nhiều loại khác nhau của vấn đề, thậm chí với cả những thứ chưa thấy trước đó. 

Nguồn: BBC Future
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày