Thời kỳ
bao cấp (1976-1986) là một giai đoạn để lại nhiều ấn tượng khó quên trong cuộc sống người dân Việt Nam. Với thế hệ trẻ, thật khó để có thể hình dung trọn vẹn được sự vất vả của mỗi gia đình trong giai đoạn lịch sử này.
Tuy nhiên, dù ở thời nào, tình cảm gia đình luôn là nền tảng vững chãi, là chốn bình yên nhất của mỗi con người. Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, chúng ta cùng ngược dòng thời gian, ngắm những bức ảnh gia đình đáng nhớ, ghi lại miền Bắc thời bao cấp qua chùm ảnh dưới đây.
Từ cuộc sống thời bao cấp...
Nói tới thời bao cấp, không ai là quên được những chiếc tem phiếu hay cuốn sổ lương thực. Đây là hình ảnh sổ mua lương thực (sổ gạo), hồi ấy viên chức Nhà nước được cấp sổ để mua một lượng gạo nhất định trong 1 tháng. Câu nói "trông như mất sổ gạo" xuất hiện trong thời kỳ này, bởi mất sổ gạo là điều vô cùng khủng khiếp.
Phương tiện đi lại chủ yếu trong thời bao cấp là xe đạp, có rất ít xe máy và ô tô.
Gia đình nào khá giả lắm mới sắm cho mình được chiếc xe máy. Vào thời này, mỗi chiếc xe được coi là cả một gia tài.
Căn phòng với đồ đạc tiêu biểu trong thời bao cấp ở một gia đình tương đối có điều kiện. Góc phòng là chiếc tủ lạnh, trên kệ là chiếc tivi, cùng chiếc radio. Con lật đật bé xinh của con gái ở trong tủ tô điểm cho gian phòng…
Những đồ vật được coi là xa hoa, đắt tiền này thường là những món quà mà người trong gia đình làm việc hoặc học tập tại nước ngoài mang, gửi về. Món đồ này là niềm tự hào của gia đình và là niềm mong ước của nhiều gia đình trong thời kỳ đó.
... tới cảnh sinh hoạt của các gia đình...
Các gia đình Hà Nội thời bao cấp phải dùng nước công cộng, nhà vệ sinh công cộng. Thậm chí, nhiều nhà trong phố cổ, ở ngõ sâu còn dùng chung bếp và cầu thang.
Bởi thế, chuyện 1 dãy phố chỉ có 1 - 2 vòi nước công cộng là chuyện không có gì xa lạ. Nhiều gia đình phải thay phiên nhau xếp hàng nhằm hứng từng xô nước, xách về dự trữ để sử dụng trong việc nấu nướng, tắm giặt. Đôi khi, họ cũng rủ nhau mang quần áo ra vòi nước công cộng để chuyện trò, hay những cậu bé con đùa nghịch cùng nhau vui đùa, tắm bên cột nước.
Bữa cơm gia đình tươm tất được chuẩn bị vào ngày giỗ chạp hay lễ Tết. Vào ngày này, mọi người trong gia đình thường quây quần bên nhau để chia sẻ những phút giây ấm áp, động viên nhau cùng cố gắng học tập và lao động.
Những đám hỏi, đám cưới thời bao cấp vô cùng giản dị nhưng tiếng pháo nổ đì đùng, tiếng cười đùa vui của hai họ cùng lời chúc phúc của làng xóm đủ khiến vang rộn một góc đường.
Chiếc Super Cub từng là niềm ao ước của biết bao chàng trai những năm bao cấp. Sự xuất hiện của chiếc xe này trong đám cưới chứng tỏ gia đình chú rể thuộc dạng khá giá, có của ăn của để.
Hoặc không, cô dâu, chú rể sẽ cùng chở nhau về "tổ ấm" với chiếc xe đạp. Những đám rước dâu bằng xe đạp là một trong những dấu ấn không thể mờ phai của thời bao cấp.
Dù khó khăn, vất vả, nhưng nụ cười vẫn luôn thường trực trên môi của mỗi thành viên trong gia đình hay những trẻ em với vẻ hồn nhiên, tinh nghịch.
Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc; là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam. Ngày 28/6 được chọn là Ngày Gia đình Việt Nam. Đây là một ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc. |
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Children and youth in history, LSVN, Corbis, Wikipedia...
Bạn có thể xem thêm: