Tại khu vực cách bờ biển hơn 24km gần kênh Penghu, các ngư dân Đài Loan đã tìm được
hóa thạch xương hàm ước tính 200.000 năm tuổi. Bộ xương hàm này dày, răng lớn và khỏe hơn hẳn so với những hóa thạch cùng loại từng được phát hiện trước đó.
Một phần xương hàm mới được phát hiện Theo các nhà nhân chủng học, rất có thể bộ xương hàm nói trên thuộc về một chủng người mới từng tồn tại ở châu Á nhưng chưa được phát hiện.
Từ trước tới nay, các chuyên gia khảo cổ thường cho rằng tổ tiên người châu Á thuộc chủng Homo erectus. Bằng chứng là họ chỉ tìm được hóa thạch của chủng người trên tại khu vực châu Á, cụ thể hơn là Indonesia và Trung Quốc. Song với phát hiện bộ hàm mới này, quan điểm trên có thể bị thay đổi.
Điều này càng có cơ sở hơn khi nghiên cứu địa chất cho thấy, từ cách đây 2,5 triệu tới 11.000 năm, khu vực phát hiện hóa thạch xương hàm có mực nước biển thấp. Do đó, nơi này có thể từng là một phần của lục địa châu Á, phù hợp cho sự sống của con người.
Khu vực phát hiện hóa thạch mới
Sau khi được phát hiện, bộ xương hàm nêu trên được chuyển cho các nhà khoa học nghiên cứu và phân tích. Tiến sĩ Chun Hsiang-Chang cho biết, hóa thạch này là một phần hàm dưới, khá thô sơ nhưng lớn hơn rất nhiều so với xương hàm của người Homo erectus sống cùng niên đại.
So sánh hóa thạch mới (giữa) với xương hàm của người Homo erectus phát hiện ở Indonesia (trái) và Trung Quốc (phải)
Các chuyên gia cũng đưa ra một vài khả năng lý giải về hóa thạch này. Theo đó, có thể chúng thuộc về một chủng người khác cùng tồn tại với người Homo erectus song đã tuyệt chủng, hoặc chúng thuộc về những người cổ đại di cư từ châu Phi tới.
Hiện nay, bộ xương trên đã được phân tích bằng phương pháp CT scan để tái tạo lại toàn thể bộ hàm trên máy tính. Các nhà nghiên cứu cũng hi vọng sẽ sớm xác định được mẫu ADN để hiểu rõ hơn về nguồn gốc bộ xương hàm này.
Máy tính tái tạo lại toàn bộ xương hàm từ hóa thạch còn sót lại
Nghiên cứu và các phân tích trên được công bố ở tạp chí Nature Communications.
Nguồn: Dailymail