Hố tròn bí ẩn xuất hiện ở Áo |
Mới đây, các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin về việc Franz Knoglinger - một nông dân người Áo đã phát hiện ra một hố tròn và sâu đầy bí ẩn xuất hiện ngay trong trang trại của mình chỉ sau 1 đêm.
Phát biểu trên tạp chí Austrian Times, Franz Knoglinger nói: “Tôi đang đi tìm con mèo mất tích thì bỗng nhìn thấy cái hố ấy. Tò mò về độ sâu của nó, tôi đã ném một hòn đá xuống và một lúc sau mới nghe thấy thứ âm thanh như tiếng kim loại vọng lại. Tôi nhận thấy nó rất sâu”.
Sau đó, Knoglinger đưa sợi dây thừng có nam châm xuống hố và ông kết luận rằng vật ở phía dưới là kim loại.
Hố tròn và sâu đang gây nhiều tranh cãi.
Ngay lập tức, cái hố bí ẩn này đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học cũng như những tay thợ săn người ngoài hành tinh. Một trong những giả thuyết được đặt ra là sự xuất hiện của UFO.
Cái hố tròn một cách hoàn hảo. Nó khiến không ít người liên tưởng đến một con tàu vũ trụ dưới kho chứa ngầm bị lãng quên trong thời gian dài. Đây là lời giải thích dường như đã được mặc định trong nhiều năm gần đây cho bất kỳ vật thể chưa xác định nào bằng kim loại hoặc có hình dạng tròn.
Tuy nhiên, một nhà sử học địa phương lại đưa ra những bằng chứng ngược lại. Theo ông, cái hố này không phải xuất hiện sau 1 đêm như Knoglinger giả định mà đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Trên thực tế, nửa thế kỷ trước, một công ty dầu khí đã từng sử dụng máy khoan tìm kiếm dầu. Lần đó, mũi khoan kim loại lớn đã bị mắc kẹt ở khu vực này, không thể lấy ra được. Đó là lý do tại sao nam châm bị hút xuống phía dưới.
Nhiều năm sau, nơi đây trở thành khu đất nông nghiệp và lâu dần, người ta không còn nhớ đến chúng nữa khi mà cỏ đã bao phủ khắp nơi.
(Nguồn tham khảo: Đất Việt)
Mặt trời tiếp tục phóng bão từ |
Mặt trời lại vừa phóng tiếp một cơn bão từ vào không gian từ hôm 14/3, cũng tại chính khu vực đã hình thành nên trận bão từ diễn ra vào 6/3 tới 8/3.
Lại thêm một trận bão nữa được phóng ra từ điểm đen 1429 của Mặt trời.
Số liệu đo đạc ban đầu cho thấy, trận bão từ mới mạnh ở cấp độ S2 (trung bình), tuy nhiên có thể đã suy yếu đi vào lúc này. Và cũng rất may là trận bão lần này không hướng về phía Trái đất, Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của Mỹ cho hay.
Trận bão ngày 14/3 là hoạt động mới nhất trong chuỗi “phun trào” từ khu vực điểm đen khổng lồ AR 1429 trên Mặt trời. Ít nhất từ khu vực này đã phóng ra ba trận bão cấp độ mạnh (X) và vài trận bão khác cấp độ trung bình (M) trong thời gian gần đây.
Hiện tại, do quay xung quanh đĩa mặt trời, khu vực điểm đen khổng lồ AR 1429 không còn hướng về phía Trái đất. Tuy nhiên, các nhà thiên văn và vật lý học sẽ vẫn tiếp tục theo dõi nó và các khu vực hoạt động mạnh khác trên mặt trời để dự đoán những trận bão từ tiếp theo.
(Nguồn tham khảo: Space)
Phát hiện bất ngờ: Nhện dùng hoá chất diệt kiến |
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, loài nhện mắt vàng đã thêm một loại hóa chất khi chăng tơ dệt lưới để diệt những con kiến lai vãng đến lưới nhện tranh ăn những côn trùng vướng vào đó.
Loài nhện mắt vàng.
Một nhóm nhà khoa học do giáo sư Daiqin Li, trường ĐH Quốc gia Singapore đứng đầu, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rằng, những con nhện mắt vàng (Golden orb spider, tên khoa học là Nephila clavipes) khi tạo ra những sợi tơ dệt mạng, chúng đã bổ sung thêm một hoá chất thuộc nhóm alcaloid để bảo vệ, khiến kiến sẽ bị nhiễm độc khi tiếp xúc với mạng bắt côn trùng sa vào lưới của chúng”.
Theo nguồn tin của trang ninemsn, giáo sư Mark Elgar, trường ĐH Melbourne cũng nói thêm, nhóm của ông rất ấn tượng về hiệu quả của hoá chất có tính xua đuổi mà nhện đã dùng để bảo vệ mạng lưới của mình. Ông nói: “Nhện mắt vàng quả thật là nếu không dùng “vũ khí hoá học” thì không thể tự vệ được để chống lại những con kiến có mặt khắp nơi, lang thang tìm mồi và biết cách thông tin cho nhau rất nhanh chóng”. Dùng hoá chất, không những chúng bảo vệ được bản thân mà còn đỡ mất thời gian và năng lượng cần thiết để diệt những con kiến liều lĩnh đến tấn công.
Các nhà khoa học nói trên còn cho hay chỉ những con nhện khá lớn mới tiết ra được hoá chất này. Họ hy vọng rằng phát hiện của họ có thể gợi ý cho các phòng thí nghiệm hoá học tổng hợp được các hoá chất tương tự dùng làm thuốc trừ sâu hại trong nông nghiệp và gia dụng.
(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)
Sẽ dùng đồng hồ chỉ sai 1/120 giây trong 14 tỷ năm? |
Một số nhà khoa học đề xuất thay chiếc đồng hồ nguyên tử bằng đồng hồ hạt nhân, vì đồng hồ hạt nhân chỉ chạy sai 1/120 giây trong vòng 14 tỷ năm - thời gian tương đương tuổi thọ của vũ trụ.
Chiếc đồng hồ nguyên tử NIST-F1 đang là chuẩn thời gian ở Mỹ được cho là sẽ sai lệch một giây trong giai đoạn hơn 100 triệu năm.
Các nhà nghiên cứu ở ĐH New South Wales, Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) và ĐH Nevada (Mỹ) cho rằng, vật lý hạt nhân chính xác hơn vật lý nguyên tử. Đồng hồ hoạt động theo nguyên tắc vật lý hạt nhân chính xác gấp gần 100 lần hầu hết đồng hồ nguyên tử đang được sử dụng ngày nay.
Chiếc đồng hồ nguyên tử đang được sử dụng ở Berlin, Đức.
“Bằng cách sử dụng laze để định hướng các electron theo một hướng nhất định thì có thể dùng nơ-tron đang quay quanh hạt nhân nguyên tử như một quả lắc đồng hồ, tạo thành chiếc đồng hồ hạt nhân,” GS. Victor Flambaum ở ĐH New South Wales, giải thích.
Theo GS. Flambaum, đồng hồ hạt nhân “sẽ cho phép các nhà khoa học thử nghiệm những lý thuyết vật lý cơ bản với độ chính xác chưa từng có và sẽ tạo ra một thiết bị vô song cho ngành nghiên cứu vật lý ứng dụng”.
(Nguồn tham khảo: Khoahoc)