Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra, khi
hắt hơi (hắt xì hơi), chúng ta sẽ vô tình phát tán hàng triệu vi khuẩn ra ngoài không khí với áp lực phóng ra lên tới hàng trăm km/h. Thậm chí, chúng còn tụ lại như một đám mây, lơ lửng trong không khí.
Hắt hơi vốn là cơ chế bảo vệ đường hô hấp trước các phần tử lạ xâm nhập qua đường mũi. Khi bị kích thích, trung tâm thần kinh điều khiển tất cả các cơ co lại, từ cơ thực quản cho tới cơ vòng, đương nhiên bao gồm cả cơ mí mắt.
Khi bạn hắt hơi, bạn sẽ tạo ra một "đám mây" hỗn loạn với sự góp mặt của hàng trăm nghìn con virus và hàng ngàn tia nước nhỏ.
Hắt hơi vừa là phương cách cơ thể tự vệ, “tống” ra ngoài những thứ độc hại, vừa là tín hiệu báo động về một đội quân vi khuẩn lạ đã tấn công để bác sĩ chẩn đoán bệnh và kê đơn thuốc chống lại chúng.
John Bush - người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Khi bạn ho hay hắt hơi, có từ 2.000 - 5.000 tia nước nhỏ li ti được bắn ra từ miệng bạn. Những tia nước này sẽ ngưng tụ, tạo thành một đám mây lơ lửng vô hình. Chúng sẽ bay trong không khí, phát tán những virus, vi trùng ra xung quanh".
Mỗi lần hắt hơi, bạn bắn ra từ 2.000 - 5.000 giọt nước nhỏ li ti, mỗi giọt chứa trung bình 100.000 con vi khuẩn, đi xa được từ 1,5 - 2m.
Đồng tác giả nghiên cứu - Lydia Bourouiba - trợ lý giáo sư Khoa Kỹ thuật xây dựng và Môi trường của MIT cho biết: "Khi một người vô tình hắt hơi, nếu hệ thống thông gió hay điều hòa không khí không tốt, điều này sẽ càng làm tăng thêm nguy cơ phát tán nguồn bệnh cho nhiều người khác. Bởi lẽ, đám mây vi khuẩn kia có thể di chuyển được từ 1,5 - 2m, chúng hoàn toàn có thể ghé thăm bất cứ ai".
Chính bởi vậy mà các nhà nghiên cứu cho rằng, hệ thống thông gió văn phòng hay điều hòa không khí trên máy bay sẽ đóng một vai trò lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh từ việc hắt hơi tưởng chừng vô hại.
Nghiên cứu trên được đề cập trong Journal of Fluid Mechanics.
(Nguồn tham khảo: Dailymail)