Hành trình di cư ngoạn mục trong thế giới động vật

Sơn Hải, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 13/05/2014
Chia sẻ

Những cuộc di cư không chỉ mang ý nghĩa sống còn của loài động vật mà còn tạo ra nhiều khung cảnh vô cùng thú vị.

Hàng năm trên thế giới diễn ra rất nhiều cuộc di cư của các động vật hoang dã, chúng phải di chuyển một quãng đường khổng lồ để sinh tồn. Điều này đã tình cờ tạo ra một màn trình diễn sống động và vô cùng ngoạn mục của tự nhiên.

1. Linh dương 
                 
Một trong những cuộc di cư vĩ đại nhất trong thế giới động vật thuộc về loài linh dương, thường diễn ra hàng năm ở hai nước Tanzania và Kenya. 


Số lượng cá thể tham gia di cư lên tới 1,5 triệu cá thể. Chúng vượt qua những dải đất, vùng đồng bằng rộng lớn để tìm nguồn cỏ xanh tươi và giàu dinh dưỡng.


Tổng quãng đường mà những đàn linh dương sẽ trải qua lên tới 2.800km. Trong suốt chuyến đi, linh dương sẽ có thêm bạn là những chú ngựa vằn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm đến từ sư tử, báo và cá sấu đang rình rập.
 
2. Chim cánh cụt

Theo tài liệu của kênh National Geographic, mỗi năm có hàng ngàn chú chim cánh cụt di chuyển thành đàn để tránh cái rét mùa Đông ở vùng Nam cực. 


Vào mùa Đông, Nam Cực trở thành nơi lạnh nhất trên Trái đất với nhiệt độ thường giảm xuống mức -50 độ C. Khó có sinh vật sống nào có thể tồn tại trong điều kiện lạnh giá như vậy. 

Ngay khi mùa Hè đến, băng bắt đầu tan, chim cánh cụt lai quay về Nam Cực. Mùa Hè bắt đầu vào tháng 12 ở Nam Cực khi thức ăn trở nên dồi dào hơn, tạo điều kiện dễ dàng cho chúng kiếm ăn, sinh sản và chuẩn bị cho một mùa Đông giá lạnh sắp đến.

3. Bướm Monarch

Hàng năm, vào tháng 10, loài bướm Monarch có màu da cam hay màu đen tuyệt đẹp bay đến Pacific Grove, California để tránh mùa Đông giá rét.



Bướm Monarch làm tổ trên những cây thông và cây bạch đàn. Sự di cư của loài bướm này tạo nên cảnh tượng tuyệt đẹp, khi chúng bay đi, những tia sáng Mặt trời len lỏi qua cánh bướm xinh xắn tựa như ô cửa sổ tí hon tỏa sáng muôn màu. 

4. Dơi Mexico

Cứ vào tháng 10 mỗi năm, những đàn dơi khổng lồ có thể lên đến 1,5 triệu con sẽ bắt đầu công cuộc di cư từ Mexico đến trung tâm thành phố Austin, Texas.




Mục đích của chuyến di cư là tìm thức ăn và ước tính, mỗi đêm đàn dơi có thể tiêu thụ số lượng côn trùng lên tới 15 tấn. Cuộc di cư này còn có sự tham gia của những chú dơi con mới đẻ vài tháng. Bởi cả gia đình di cư nên những chú dơi con cũng đã phải bắt đầu chập chững tham gia vào cuộc hành trình này.

5. Tuần lộc Bắc Cực

Loài tuần lộc Bắc Cực thường di cư từ Canada và Alaska để tới vùng đồng bằng bên bờ biển Bắc Cực. 


Mục tiêu cuộc hành trình của những đàn tuần lộc dài tới 2.400km này là tìm kiếm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng phục vụ cho mùa sinh sản.


Số lượng tuần lộc di cư có thể lên đến 100.000 con. Vì thế, tuần lộc luôn là mục tiêu hấp dẫn đối với loài cáo, gấu và loài chồn gulo.

6. Cá mập voi

Dù cá mập voi có kích thước khổng lồ - dài hơn 12m và nặng khoảng 15 tấn nhưng loài vật này lại rất hiền và thường sống đơn độc.
 
Cá mập voi sẽ di cư đến các dải đá ngầm ở khu vực miền Tây Úc cũng như Pemba và Zanzibar ở khu vực ven bờ đại dương của Đông Phi. 

Tuy nhiên, cứ vào mùa di cư, những đàn cá mập voi lại khuấy động cả vùng biển Mexico. Những cá thể động vật này sẽ tập hợp nhau lại và bắt đầu cuộc hành trình ra khỏi bờ biển phía Đông Mexico, tất cả tạo nên một cảnh tượng cực kỳ đẹp mắt. 


Mục đích của cuộc di cư này là để kiếm ăn các loài phù du trong biển và quan trọng nhất là ăn trứng của cá chỉ vàng. Loài cá chỉ vàng đẻ rất nhiều trứng vào giai đoạn này - đây là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho các cá thể cá mập voi. 

7. Chim hồng hạc

Kenya là một trong những điểm ngắm chim hồng hạc - loài chim lội nước sống chủ yếu ở Tây và Đông bán cầu với vẻ ngoài rực rỡ khá lạ mắt. Chúng thường xuất hiện từ giữa tháng 4, tháng 6 tại Kenya và đem lại cho nơi đây một sắc màu tuyệt đẹp của tự nhiên.

Trong những năm gần đây, số lượng đàn chim hồng hạc di cư dao động từ khoảng 6.500 - 250.000 con.

Từ những đồng cỏ mênh mông tới các bụi cây trong các khu bảo tồn ở Kenya, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy hàng đàn chim hồng hạc đang bay hoặc túm tụm rỉa lông trên mặt hồ tạo nên một cảnh tượng kỳ thú.





Trong các địa điểm ở Kenya thì hồ Nakuru là nổi tiếng có nhiều chim hồng hạc trong mùa di cư. Theo thống kê, mỗi năm có hơn một triệu chú hồng hạc tập trung ở hồ khiến nơi đây trở thành một địa điểm du lịch thú vị nhất châu Phi.

8. Cua đỏ

Cua đỏ đảo Christmas là một loài động vật thú vị chỉ có duy nhất ở đảo Christmas và quần đảo Cocos tại Ấn Độ Dương. Loài vật này có vẻ ngoài lạ mắt đỏ rực như Mặt trời và một tập tính di cư rất độc đáo.
 


Mỗi năm hàng triệu chú cua đỏ sẽ rời bỏ hang của chúng trên đảo để bắt đầu thực hiện một chuyến đi dài về phía biển. Chúng bò xuống từ những vách đá và di chuyển tới bờ biển để đẻ trứng và sau đó chúng lại quay trở lại tổ ấm của mình với những chú cua con mới sinh. 

Sự di cư này khiến cho cảnh tượng giống như một "dòng sông đỏ" kéo dài từ các hang động trên khắp hòn đảo ra biển và có thể kéo dài đến 18 ngày.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: CNN, National Geographic...


Bạn có thể xem thêm:

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày