Từ lâu, hắng giọng (hay "e hèm") là một hành động phổ biến của con người, thường diễn ra ở công sở, trường học hay thậm chí nơi công cộng. Mới đây, các chuyên gia đã tìm ra lý do để những người hay hắng giọng nên "giữ trật tự", bởi hành động này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tiến sĩ Brian Rotskoff từ Trung tâm Dị ứng Claritin (Chicago, Mỹ) cho biết, việc hắng giọng trở thành thói quen sẽ gây tác động xấu tới cổ họng và các dây thanh quản.
Ông cho rằng nếu một người liên tục hắng giọng trong 3 tháng và khi điều này trở thành thói quen, nó sẽ trở thành hiện tượng mãn tính và dần dần thay đổi âm vực của giọng nói.
Một số nghiên cứu khác cho thấy hành động hắng giọng có tính chất lặp lại. Nếu một người thường xuyên hắng giọng, điều này sẽ trở thành thói quen; càng làm hành động này nhiều thì họ càng cảm thấy cổ họng họ cần phải được "thông suốt" nhờ hắng giọng.
Tiến sĩ Rotskoff chia sẻ với Reuteurs: "Hắng giọng là một triệu chứng bệnh, chứ không phải phụ thuộc vào điều kiện khiến con người làm vậy. Hắng giọng cũng giống như việc ngáy ngủ, bạn sẽ không cảm thấy đau, thậm chí là thấy dễ chịu nhưng sẽ gây khó chịu tới những người xung quanh".
Người ta cũng chỉ ra một số tác động khiến con người phải hắng giọng như bị viêm họng, hen suyễn hay dị ứng gây khó chịu cho cổ họng. Tuy nhiên, nếu hành động này trở thành thói quen, hắng giọng có thể gây hại tới sức khỏe - các nhà nghiên cứu cảnh báo.
(Nguồn tham khảo: NewsRT)