Giải đáp khả năng lưu giữ tinh trùng trong bụng suốt 45 tháng của cá mập

J, Theo Trí Thức Trẻ 13:21 04/08/2015

Các chuyên gia vô cùng bất ngờ khi tìm thấy hiện tượng "trinh nữ sinh con" ở loài cá mập tre vằn này.

Hiện tượng “trinh nữ sinh con” của cá mập từ lâu đã là một bí ẩn đối với giới sinh vật học. Tuy nhiên gần đây, bí ẩn đã được giải đáp khi các chuyên gia phát hiện ra loài cá mập tre vằn (brownbanded bamboo shark) sở hữu khả năng sinh sản đặc biệt - lưu trữ tinh trùng trong bụng suốt 45 tháng.

150804ca01-8c594
Cá mập tre vằn  là loài sống về đêm, thường được tìm thấy tại Thái Bình Dương ngoài khơi Nhật Bản và Indonesia.

Để rút ra được kết luận này, các khoa học gia đã đưa 3 cá thể cái cá mập tre về nghiên cứu tại Học viện Khoa học California và phát hiện thấy một trong 3 nàng cá mập đã đẻ trứng dù không gặp cá thể đực nào trong suốt 45 tháng.

Thoạt đầu, các khoa học gia cho rằng, đây là hiện tượng “trinh nữ sinh con” vẫn thỉnh thoảng xuất hiện ở một số loài cá mập. Nhưng kết quả xét nghiệm di truyền từ cá con cho thấy nó được thụ tinh một cách hoàn toàn bình thường - bằng trứng và tinh trùng. 

Điều này đồng nghĩa với việc bằng cách nào đó, cá mập cái đã lưu trữ tinh trùng sau khi giao phối rồi, thụ tinh khi gặp điều kiện phù hợp.

150804ca02-8c594

Các khoa học gia tin rằng, các cá mập là loài sống đơn độc. Chúng hiếm khi chạm mặt nhau trong tự nhiên nên sẽ kết đôi ngay khi có dịp. Điều này có nghĩa, cá mập cái sẽ trì hoãn việc thụ tinh cho đến khi tìm được địa điểm phù hợp để đẻ trứng.

Theo Moises Berna - nhà nghiên cứu hải dương tại ĐH Texas: “Lưu trữ tinh trùng là khả năng không thường thấy ở các loài động vật, nhưng khá phổ biến ở côn trùng và rắn”. Tuy nhiên, việc lưu trữ tinh trùng trong khoảng thời gian dài như vậy thực sự đã khiến giới khoa học phải ngạc nhiên.

150804ca03-8c594

Bernal cũng cho biết: “Xét nghiệm di truyền cho thấy bộ gene của cá con rất khác cả 3 cá thể cái, nên không thể biết đâu là mẹ của nó”. Điều này cho thấy các thông tin di truyền chủ yếu đến từ cá bố.

Một số loài cá mập có khả năng sinh sản đặc biệt khác - thụ thai đơn tính. Tuy nhiên, khả năng này lại đe dọa sự đa dạng di truyền trong quần thể, khiến chúng dễ bị nhiễm bệnh và tổn thương khi môi trường sống thay đổi. 

Theo tiến sĩ Luiz Rochar - quản lý Hải dương tại Học viện Khoa học California: “Khả năng lưu trữ tinh trùng dài hạn – cá thể cái có thể trì hoãn sự thụ tinh trong vài tháng hoặc 1 năm – là sự thích nghi phù hợp, góp phần thúc đẩy tính đa dạng di truyền”.

150804ca04-8c594
Cá mập con có thể ra đời nhờ sự trì hoãn thụ tinh của cá mẹ.
 
Với khám phá này, giới khoa học tin rằng cá mập có thể tự thích nghi, bảo vệ giống loài, trong tình trạng cá thể loài bị suy giảm trầm trọng hay môi trường sống bị đe dọa.
 
Nguồn: Dailymail