Mới đây, nhà thám hiểm núi lửa Geoff Mackley đã cũng 4 người bạn của mình phiêu lưu tới nơi cận nhất với ngọn núi lửa. Họ đặt mục tiêu là ghé thăm miệng hố sâu chứa đầy dung nham nóng chảy của núi lửa Marum nằm trên đảo Vanuatu, Nam Thái Bình Dương.
Miệng núi lửa Marum với dung nham nóng đỏ.
Ngọn núi lửa này được bao quanh bởi thung lũng núi đá cao hơn 400m và luôn trong tình trạng hoạt động kể từ nhiều năm trở lại đây. Nhiệt độ nơi nóng nhất tại miệng núi lửa Marum đạt 1.150 độ C, đủ để thiêu chết mọi sinh vật cố gắng tiếp cận nơi này.
Chính vì lẽ đó, các chuyên gia nghiên cứu địa chất buộc phải trang bị bộ quần áo cách nhiệt đặc biệt, cho phép họ làm việc tại "ranh giới giữa địa ngục và trần gian".
Tuy được trang bị tốt nhưng các chuyên gia vẫn phải hết sức cẩn trọng khi thực hiện việc nghiên cứu bởi sẽ không có cơ hội sống sót nếu rơi xuống miệng núi lửa chứa đầy dung nham sôi sục.
Nhà thám hiểm treo mình trên vách đá nhìn vô cùng nhỏ bé so với thiên nhiên.
Quá trình leo xuống miệng núi lửa của nhà thám hiểm.
Nhà thám hiểm thận trọng leo xuống miệng hố tử thần khi tính mạnh chỉ treo trên một sợi dây ở độ cao hơn 400m.
Chuyên gia Mackley, người gắn bó nhiều năm với miệng núi lửa Marum cho biết: "Nó trông giống như bề mặt Mặt trời. Tiếp cận miệng núi là giấc mơ ngông cuồng nhất của cuộc đời tôi. Và đó cũng là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất mà tôi từng chứng kiến và trải qua".
Từ khi còn nhỏ, Mackley thường được bố đưa đi chụp ảnh những hiện tượng khắc nghiệt như bão tuyết, lũ lụt...và điều này khiến anh sớm có niềm đam mê khám phá đặc biệt đối với thiên nhiên.
Sau 45 phút leo từ vách đá dựng đứng, nhà thám hiểm Geoff Mackley đã có thể đặt chân gần tới miệng núi lửa Marum đang phun trào dòng dung nham nóng đỏ.
Nằm ở độ sâu 400m so với miệng núi, không một phương án thám hiểm hồ dung nham nào được coi là an toàn tuyệt đối. Với hàng loạt các thiết bị bảo hộ hiện đại nhất, tính mạng các chuyên gia nghiên cứu vẫn luôn bị đe dọa sau mỗi lần tiếp cận ranh giới này.