Du lịch vũ trụ qua hình ảnh tuyệt đẹp từ không gian

Tôm, Theo 00:00 13/10/2011

Ngắm nghía các tinh vân, cụm sao và thiên hà kì ảo trong Hệ Mặt Trời qua ảnh chụp vệ tinh của các nhà du hành vũ trụ.




Hình ảnh chúng ta đang được thấy chính là hiện tượng khi một ngôi sao "hấp hối" (không còn năng lượng để giữ lớp vỏ bên ngoài của chúng). Các lớp vỏ của ngôi sao này dần dần trôi vào vũ trụ trong khoảng thời gian vài ngàn năm.

Những vệt mờ như sương mù, đủ màu sắc từ lớp vỏ này chính là các đám mây bụi và khí khổng lồ, thường được gọi là tinh vân. Các tinh vân thường tập trung thành những dải hẹp, dày từ 400 - 900 năm ánh sáng.

Tinh vân ở ảnh trên có tên là Ring, được các nhà du hành vũ trụ đặt tên do có hình khuôn tròn như một chiếc nhẫn.




Giống như tinh vân Ring, tinh vân Dumbbell thuộc chòm sao Vulpecula là một ví dụ khác của một ngôi sao sắp tắt. Từ tính phức tạp ngoài vũ trụ cũng như các ảnh hưởng từ lực quay đã khiến hình dạng những phần tách rời của ngôi sao này ở dạng khí, có hình dạng đặc biệt như trong ảnh.

Nói về mặt quy mô, tinh vân Dumbbell có bán kính vào khoảng 0,75 năm ánh sáng tính từ lõi của ngôi sao. Tinh vân này nằm ở đỉnh phía nam của Tam giác mùa hè (tên gọi của một mảng sao tạo ra một hình tam giác trên bầu trời nửa Bắc bán cầu với ba đỉnh là sao Ngưu Lang, sao Chức Nữ và sao Deneb) và có thể được nhìn thấy đến tận cấu trúc tinh thể dễ dàng bằng những kính thiên văn thông thường. 


Chắc hẳn, nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng ngôi sao đang tỏa sáng trên bầu trời kia thực chất là một cụm rất nhiều ngôi sao nhỏ gần nhau. Cụm sao M15 thuộc chòm sao Pegasus là một ví dụ điển hình cho loại “quần thể” sao này. Có tuổi thọ vào khoảng 13,2 tỷ năm tuổi, cụm sao M15 được xem là một trong những cụm sao “già” nhất từng được phát hiện trong vũ trụ.

Những cụm sao như M15 không phải là hiếm trong vũ trụ, nếu không muốn nói là chúng rất phổ biến, thường xuất hiện trong các vầng hào quang khổng lồ xung quanh thiên hà.


Thiên hà hình xoắn ốc NGC7331 ở cách chúng ta 40 triệu năm ánh sáng. Không giống như hầu hết các thiên hà khác, phần trung tâm của NGC7331 quay hướng ngược lại so với phần ngoài của thiên hà. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được lý do của việc này.



Đối tượng được những “tay phó nháy” không gian yêu thích nhất, dễ nhìn thấy bằng mắt thường nhất chính là thiên hà Andromeda “hùng mạnh”. Sở dĩ, chúng ta có thể nhìn thấy thiên hà này bằng mắt thường vì nó là thiên hà gần với Trái Đất nhất (khoảng cách 2,3 triệu năm ánh sáng). 

Tuy là một thiên hà lớn nhưng khi nhìn qua kính thiên văn thông thường, Andromeda không mấy ấn tượng vì chỉ có phần trung tâm là thật sự nổi bật. Chỉ khi dùng kính thiên văn Hubble và những kính thiên văn “xịn” đặt trên mặt đất (chẳng hạn như Alma), ta mới có thể tận hưởng vẻ đẹp “choáng ngợp” của thiên hà này.


Bức ảnh huyền ảo mà chúng ta đang được chiêm ngưỡng là thời khắc mà Mặt Trăng đang “lặn” xuống “biển không khí” trên bầu khí quyển Trái Đất. Bức ảnh đặc biệt này được ghi lại bởi phi hành gia Ron Garan từ trạm không gian quốc tế ISS.

Di chuyển xung quanh Trái Đất với vận tốc 28.000 km/h, mỗi ngày, các phi hành gia của chúng ta được xem Mặt Trăng, Mặt Trời mọc và lặn khoảng… 16 lần.

Cuối cùng, "tour" du lịch vũ trụ kết thúc bằng video dưới đây, tóm tắt lại một cách chân thực các hành tinh trong Hệ Mặt Trời của chúng ta, long lanh kì ảo đến bất ngờ!


Vũ trụ của chúng ta đẹp chưa này?