Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Washington và Liên Hợp Quốc đã chỉ ra,
dân số thế giới đang ngày một tăng cao, có khả năng sẽ đạt 10,9 tỷ người vào năm 2100, chứ không phải là 9 tỷ người như ước tính trước đó.
Các chuyên gia đã sử dụng mô hình thống kê hiện đại để có thể đưa ra con số chính xác nhất dự đoán dân số thế giới. Hầu hết sự tăng trưởng được dự đoán sẽ đến từ khu vực châu Phi. Theo đó, dân số ở châu lục này sẽ có thể tăng từ 1 tỷ lên tới 4 tỷ người vào cuối thế kỷ này.
Dân số thế giới có thể đạt ngưỡng 10,9 tỷ người vào năm 2100.
Điều này là do các gia đình ở châu Phi muốn có nhiều con và họ cũng không sử dụng các biện pháp tránh thai sau mỗi lần giao hợp.
Các chuyên gia cũng cho biết, dân số ở các châu lục khác cũng không mấy thay đổi so với dự kiến, đặc biệt ở các khu vực như châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh - dân số duy trì khoảng 1 tỷ người. Dân số châu Á hiện đang ở mức 4,4 tỷ người, dự kiến sẽ đạt vào khoảng 5 tỷ vào năm 2050 và sau đó bắt đầu suy giảm.
Dự đoán này còn dựa trên tuổi thọ và tỷ lệ sinh - hai yếu tố làm nên sự thay đổi khác biệt về dân số ở mỗi nước. Các nhà nghiên cứu cho rằng, để có thể giảm bớt sự gia tăng dân số, chúng ta có thể chú trọng hơn vào chương trình kế hoạch hóa gia đình và phổ biến rộng rãi hơn các biện pháp tránh thai.
Nhà thống kê xã hội học Adrian Raftery - người tham gia nghiên cứu cho biết: "Đây thực sự là điều mà các nhà chính sách, nhà quản lý cần lưu tâm bởi lẽ, dân số tăng nhanh ở các nước kém phát triển, đang phát triển có thể tạo ra một loạt các thách thức.
Điều này còn ảnh hưởng đến sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, tăng tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ tử vong ở trẻ em và tội phạm ngày càng tăng lên. Không chỉ vậy, chính phủ sẽ phải chịu thêm gánh nặng về cơ sở hạ tầng".
(Nguồn: Reuteurs, The Verge)