Những fan của Iron Man hẳn sẽ biết tới
nhiều điểm tương đồng giữa Tony Stark và Elon Musk - tỉ phú, doanh nhân và nhà phát minh nổi tiếng thế giới. Vừa qua, người đàn ông tài năng này đã hé lộ với thế giới về một hệ thống giao thông tiên tiến, vượt trội hoàn toàn so với tàu hỏa, máy bay hay tàu cao tốc... mang tên Hyperloop.
Ý tưởng của Elon Musk ngay lập tức gây được rất nhiều tiếng vang lớn và giới khoa học đang chờ đợi bản thiết kế chi tiết của “người sắt” Nam Phi này. Elon Musk đã hé lộ về thiết kế một con tàu có thể đạt vận tốc kỷ lục, giúp con người di chuyển từ Los Angeles tới San Francisco (khoảng 615km) trong 30 phút mang tên Hyperloop.
Video từ CNN nói về Hyperloop của "Iron Man ngoài đời thực".
Dù bản thiết kế chi tiết chưa được tiết lộ nhưng theo Elon Musk, Hyperloop sẽ được kích xung điện để tạo một lực đẩy đi ban đầu, sau đó di chuyển trong một ống nhôm sử dụng đệm không khí. Loại hợp kim được sử dụng làm đệm ván là Inconel - một sản phẩm của SpaceX có thể chịu lực và nhiệt độ rất cao.
Trong lúc ấy, hãy cùng điểm qua những ý tưởng và thiết kế cho phương tiện giao thông trong tương lai dưới đây.
Nhiều người nghi ngờ khả năng về một viễn cảnh con người tham gia giao thông bằng những chiếc ô tô bay, nhưng với tiến sĩ John Hansman - người đứng đầu trung tâm vận tải hàng không quốc tế thì không phải như vậy.
Theo ông, với cuộc cách mạng công nghệ của thế giới hiện nay, chỉ trong vòng vài thập kỷ tới, con người hoàn toàn có thể chế tạo và sử dụng những chiếc đĩa bay di chuyển theo hình parabol như thế này chỉ để “đi chợ”.
Với sự phát triển của công nghệ nano, ước mơ “một tấc đến trời” của nhiều người sẽ trở thành hiện thực với cầu thang không gian. Nói đơn giản, đó là thiết bị giống như thang máy đưa con người trực tiếp từ mặt đất vào vũ trụ, tham quan các hành tinh cũng như vệ tinh.
Mới đây nhất, ý tưởng có 1-0-2 này đã được công ty xây dựng Nhật Bản - Obayashi Corp nghiên cứu trong dự án LiftPort. Theo đó, họ sẽ thả một dây cáp xuống mặt đất từ một tàu vũ trụ vào năm 2050, sau đó sử dụng robot thông minh làm thử nghiệm leo ra ngoài không gian. Nếu dự án này thành công, đó sẽ là bước ngoặt cho giao thông loài người trong tương lai.
Trên là hình ảnh tàu “Bóng ma” thuộc quân đội Mỹ. Đây là một phương tiện tích hợp máy bay tàng hình, chiến đấu, trực thăng dưới nước. Nó sử dụng công nghệ mang tên “siêu bong bóng” - tức là những bong bóng nước được tạo ra xung quanh bề mặt tàu giúp tàu di chuyển nhanh, tránh được sự dò tìm của radar.
Mặc dù loại kỹ thuật cao này mới chỉ ứng dụng trong quân sự nhưng biết đâu đó, trong tương lai bạn cũng có thể sở hữu một “Bóng ma” thì sao?
Ý tưởng về việc di chuyển bằng ống chân không đã được kỹ sư người Mỹ - Robert Goddard đề xuất từ năm 1909. Hơn 60 năm sau, tổng công ty RAND lại tiếp tục nghiên cứu và khai thác ý tưởng này.
Lợi thế của phương thức di chuyển này là với bất cứ phương tiện giao thông nào, nếu được đi trong môi trường chân không, tốc độ của chúng sẽ tăng lên tối đa và tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Tuy vậy, do chi phí và đòi hỏi năng lượng quá lớn, ống chân không vẫn đang nằm trên giấy, song biết đâu, trong tương lai mọi chuyện sẽ khác?
Thập niên 1980, kỹ sư người Mỹ - Keith Lofstrom đã đưa ra ý tưởng về một bệ phóng từ tính, giúp phóng các tàu du hành vũ trụ ra ngoài Trái đất tiện lợi và dễ dàng.
Tuy nhiên, ý tưởng này cho tới nay vẫn để ngỏ bởi theo nhiều lo ngại, để gia tốc cho tàu vũ trụ đủ vận tốc thoát khỏi bầu khí quyển, rất có thể sức nóng từ tàu sẽ làm tan chảy cả hệ thống bệ phóng.
Nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt. Chắc chắn rằng, trong tương lai các phương tiện giao thông sẽ phải sử dụng những nguồn năng lượng sạch và vô hạn, trong đó có năng lượng Mặt trời.
Trên đây là hình ảnh 16.000 tấm pin Mặt trời được lắp đặt dọc theo tuyến xe lửa từ Paris tới Amsterdam năm 2011. Chúng được sử dụng để cung cấp một phần năng lượng cho các đoàn tàu. Theo tính toán, để một chuyến tàu sử dụng hoàn toàn pin Mặt trời, cần phải lắp pin Mặt trời với kích thước và số lượng cực lớn, lên tới hàng trăm nghìn tấm.
Sự kết hợp các phương tiện có thể là một hướng đi mới trong tương lai. Đây là hình ảnh chiếc Burevestnik 24, còn được gọi là máy bay lưỡng cư vì có cánh nhưng chỉ dùng để đi trên băng hay lướt nước. Theo các chuyên gia, vận tốc tối đa nó đạt được lên tới 240km/h và rất thích hợp để vận chuyển hàng hóa trên địa hình khó khăn.
Đây là sản phẩm tích hợp 2 trong 1 - một chiếc ô tô tốt và một chiếc trực thăng hoàn hảo - sản phẩm tương lai giải quyết tối đa câu chuyện tắc đường. Nó có tên TF-X được công ty Terrafugia Massachusetts cho ra lò với phiên bản lái tự động đầu năm 2013.
Tuy nhiên, tin buồn là theo giới khoa học, giá thành của nó rất cao và trong vòng 20 năm tới, rất khó có khả năng mua được loại phương tiện này làm phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy.
Tàu hỏa là một phương tiện tiện lợi chở được rất nhiều hàng hóa, nhưng lại phải sử dụng đường ray. Vậy bạn đã bao giờ nghĩ trong tương lai, chúng sẽ hoạt động được trên đường cao tốc bình thường?
Đó chính là ý tưởng tạo nên một hệ thống phương tiện có tên tàu đường. Nói đơn giản, đó chính là việc nối một loạt các xe ô tô lại với nhau để cùng điều khiển, làm tăng sự an toàn cũng như tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu tình trạng tắc đường triền miên hiện nay.
* Bài này có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Discovery News, Wikipedia...