Đong đếm thiệt - hơn của sự buồn chán ở con người

Bích Đào, Theo Trí Thức Trẻ 00:58 26/12/2014

Bên cạnh những mặt tiêu cực, các chuyên gia đã chỉ ra điểm có lợi của sự buồn chán.

Sự buồn chán là một phần quan trọng của cuộc sống, đến nỗi mà các nhà khoa học không thực sự đi vào tìm hiểu khái niệm cơ bản này. Một trong những học giả đầu tiên để ý đến tình trạng “chán đến chết” của con người là ông John Eastwood. 

Theo nhà nghiên cứu thuộc ĐH York (Canada), khi chúng ta đã quá quen với điều gì, bạn sẽ dễ dàng bỏ qua nếu bắt gặp lần tiếp theo và sự buồn chán cũng vậy. Từ ý tưởng này, nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu cảm xúc kỳ lạ này của con người.

Một trong những hiểu lầm mà nhiều người thường tin đó là “chỉ có những người nhàm chán mới thấy buồn chán”. Tuy nhiên, khi Eastwood đi vào tìm hiểu nguyên nhân của sự buồn chán, ông đã tìm ra rằng, có hai loại tính cách đặc trưng thường dễ rơi vào tình trạng chán nản. Đó là người có tính bốc đồng và rụt rè quá mức.

Đong đếm thiệt - hơn của sự buồn chán ở con người 1

Ở dạng thứ nhất, sự nhàm chán thường đi cùng với một tư tưởng bốc đồng tự nhiên. Những người này thường không ngừng tìm kiếm những trải nghiệm mới. Đối với họ, cuộc sống không đủ “dữ dội” và thường xuyên nếu thiếu tính kích thích. 

Dạng người dễ buồn chán thứ hai gặp phải vấn đề hoàn toàn ngược lại. Thế giới đối với họ là một nơi đáng sợ, vì vậy mà họ tự tách biệt mình với bên ngoài và không muốn bước ra khỏi chốn an toàn của bản thân. 

Đong đếm thiệt - hơn của sự buồn chán ở con người 2

Đối mặt với sự nhạy cảm với nỗi đau mà họ sở hữu, họ chọn cách rút lui. Mặc dù phương án này có thể đưa ra sự an toàn nhưng những người này lại không hoàn toàn hài lòng với nó, và đó là lý do sự nhàm chán kinh niên của họ ra đời.

Cả hai trạng thái này đều có thể đẩy con người đến mức tự làm hại mình. Người buồn chán có thiên hướng sử dụng thuốc lá, rượu bia... Thật vậy, theo một nghiên cứu được đăng trên tờ Phi Delta Kappan tháng 5/2014, buồn chán là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc sử dụng rượu, thuốc lá và cần sa ở một nhóm thanh thiếu niên Nam Phi.

Đong đếm thiệt - hơn của sự buồn chán ở con người 3

Đó là chưa kể đến những hành vi nghe có vẻ lành mạnh hơn như ăn uống không giới hạn, vui chơi thâu đêm để giải khuây... cũng không thực đem lại hiệu quả.

Sau khi các nhà nghiên cứu Whitehall theo dõi cuộc sống của những cán bộ công chức trung niên ở Anh, họ tìm ra rằng những người dễ buồn chán có xu hướng mất trong vòng ba năm sau đó.

Đong đếm thiệt - hơn của sự buồn chán ở con người 4

Tuy nhiên điều gì cũng có hai mặt, và sự buồn chán không phải là ngoại lệ. Nếu cảm giác sợ hãi cho phép chúng ta tránh được nguy hiểm, nỗi buồn giúp ta ngăn ngừa sai lầm trong tương lai thì sự nhàm chán đem lại lợi ích gì?

Sự buồn chán ngăn cản chúng ta lặp lại hoạt động có sẵn, thúc đẩy con người tìm kiếm mục tiêu mới, khám phá những vùng lãnh thổ hay xây dựng ý tưởng độc đáo. Sự buồn chán đẩy chúng ta vào cuộc kiếm tìm một lối thoát khỏi sự nhàm chán, khiến chúng ta phải chấp nhận rủi ro.

Đong đếm thiệt - hơn của sự buồn chán ở con người 5

Một nghiên cứu được thực hiện với nhóm tình nguyện viên bị "giam lỏng" tại một căn phòng trong vòng 15’. Điểm đặc biệt là căn phòng được trang bị một nút sẽ khiến mắt cá chân của người tình nguyện bị sốc điện nhẹ. Kết quả quan sát cho thấy, thực sự nhiều người đã bấm cái nút để “tự sốc điện” bản thân, như cách duy nhất để phá vỡ sự nhàm chán. 

Các nhà tâm lý học cũng cho rằng, sự buồn chán có thể làm tăng hiệu suất sáng tạo của con người. Cụ thể là trong khả năng sử dụng sự sáng tạo những vật dụng hàng ngày. 


Đong đếm thiệt - hơn của sự buồn chán ở con người 6

Họ cho rằng sự nhàm chán thúc đẩy đầu óc chúng ta “đi lang thang” - dẫn đến những tư duy liên kết và sáng tạo hơn. Khi con người không tìm được kích thích từ bên ngoài, chúng ta sẽ nhìn sâu hơn vào bên trong tâm trí mình. 

Điều này cho phép chúng ta trở nên sáng tạo, suy nghĩ theo nhiều cách khác nhau hơn. Có thể nói nếu không có sự nhàm chán, con người có thể đã không đạt được những đỉnh cao nghệ thuật và công nghệ hiện hành.

Với những lợi ích này, lời khuyên được đưa ra là thay vì “sợ” nỗi buồn chán, chúng ta nên đón nhận nó. Việc lập tức chạy đi tìm một cách “triệt hạ” cảm giác này - ví dụ như cắm mặt vào điện thoại để có cảm giác bận bịu không hiệu quả bằng việc chúng ta nên thử phân tích cảm xúc đó. 

Đong đếm thiệt - hơn của sự buồn chán ở con người 7

Nhiều khi sự buồn chán nhìn có vẻ tầm thường lại cắm rễ từ những lý do sâu xa hơn. Bằng thử nghiệm của mình, Eastwood thấy rằng con người sẽ ít cảm thấy buồn chán hơn khi nghĩ cuộc sống của họ có một mục đích lớn và ý nghĩa. Qua đó có thể thấy, nỗi buồn chán chỉ là một triệu chứng của cuộc khủng hoảng tâm lý sâu sắc.

Chính vì vậy, thay vì bỏ qua nỗi buồn chán của mình hay tìm cách từ chối - hãy chấp nhận và tìm hiểu nó. Biết đâu qua đó, bạn có thể sẽ hiểu thêm được cả bản thân mình.

* Bài viết thể hiện quan điểm của nhà nghiên cứu David Robson trên trang BBC. 

Nguồn: BBC, Livescience