Sau khi tàn phá Philippines, cơn
bão Rammasun (Thần Sấm) đã tấn công Trung Quốc và Việt Nam với gió giật mạnh lên đến 150 - 180km/h, quật đổ nhiều cây cối và nhà cửa.
Bão là trạng thái nhiễu động của khí quyển. Cơn bão hình thành khi một tâm áp thấp xuất hiện cùng hệ thống áp cao xung quanh nó. Sự kết hợp các lực đối nghịch tạo ra gió, dẫn tới sự hình thành những đám mây bão.
Hình ảnh chụp tâm bão trên biển. Ở Việt Nam, thuật ngữ bão thường được dùng cho bão nhiệt đới, kèm theo gió mạnh và mưa lớn. Gió xoáy có cấp từ 6 - 7 (theo thang đo Beaufort) trên một diện rộng gọi là áp thấp nhiệt đới. Gió xoáy từ cấp 8 trở lên trên diện rộng, kèm theo mưa lớn gọi chung là bão.
Tốc độ và hướng di chuyển của bão phụ thuộc vào sự tương tác rất phức tạp giữa hoàn lưu nội tại của cơn bão và hoàn lưu của khí quyển xung quanh. Có thể coi khối không khí xung quanh cơn bão như là một “dòng sông” không khí luôn chuyển động và biến đổi.
Tốc độ di chuyển trung bình của bão vào khoảng 10- 25 km/giờ. Tuy nhiên, có những cơn bão di chuyển rất chậm hoặc hầu như đứng yên, và cũng có những cơn khác lại di chuyển rất nhanh.
Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi cấp độ bão mạnh đạt mức tối đa ra sao chưa? Cùng tìm hiểu sức mạnh của những cơn bão tính theo thang sức gió Beaufort qua bài viết dưới đây.
Cấp 0 - sóng yên, biển lặng
Với mức độ gió khoảng 1km/h, cấp độ này của bão không gây hề hấn gì đến cuộc sống trên biển hay đất liền bởi sóng vẫn yên, biển vẫn lặng.
Cấp 1 - sóng lăn tăn, gió rất nhẹ khiến bạn "phát điên" vì nóng
Với sức gió khoảng 1- 6km/h, những đợt sóng chỉ đủ lăn tăn, gợn nhẹ trên bề mặt nước. Bạn dường như chưa cảm nhận được cơn gió dù chỉ là cơn gió nhẹ nhất.
Cấp 2 - cảm nhận gió lướt trên da
Ở cấp độ này, da bạn đã cảm nhận được sức gió thổi. Với sức gió từ 7 - 11km/h, những cơn gió hiu hiu khiến bạn dễ "chìm nghỉm" trong giấc ngủ.
Cấp 3 - lá và cây "lắc lư" theo gió
Những cơn sóng nhỏ cao 0,6m, kèm theo sức gió từ 12-19km/h đủ khiến những cành cây nhỏ lắc lư trong gió.
Cấp 4 - gió "tăng tốc", sóng cuộn từng cơn
Nhiều đợt sóng nhỏ đã lớn hơn, cao chừng 1m, trùm lên cuộn những vật thể phía trước kéo theo ra biển. Gió cũng "tăng tốc" đạt ngưỡng 20 - 29km/h.
Cấp 5 - sóng đánh "tụt quần"
Sức gió thổi ở cấp độ 5 khá mạnh (30 - 39km/h) khiến biển động nhẹ, sóng biển cuộn cao khoảng 2m. Cùng với đó, bọt và bụi nước đã xuất hiện, những cây nhỏ ở ven biển đã đung đưa trong gió.
Cấp 6 - 7 - cây lớn chuyển động mạnh, gió tăng "chóng mặt", cây nhỏ bị "quật ngã" trong gió
Những đợt sóng cao 3 - 4m, với chỏm bọt trắng dạt vào bờ kèm theo gió thổi mạnh 40 - 62km/h báo hiệu một cơn áp thấp nhiệt đới. Cây cối cũng đã bắt đầu nghiêng ngả. Lúc này, bạn khó có thể đi ngược chiều gió và đặc biệt nếu sử dụng ô, chiếc ô sẽ bị lật ngược lại ngay lập tức.
Cấp 8 - 9 - sóng trùm cao gần 2 tầng nhà, gió "tát" vào mặt
Đợt sóng cao tới 5,5 - 7m, cùng sức gió cực đại 63 - 87km/h đủ đẩy quật ngã vô số cây trưởng thành. Không những thế, bạn khó có thể ra khỏi nhà vì gặp vô số nguy hiểm khi phải đối mặt với cây đổ, mái nhà tốc bất ngờ... Cùng với đó biển động rất mạnh.
Cấp 10 - cây xanh bật gốc, tàu thuyền "chìm nghỉm"
Những cơn gió rất mạnh với tốc độ lên tới 100km/h như muốn kéo theo bất cứ thứ gì nó đi qua, do đó mà nhà cửa, cột điện bị hư hại nặng. Những cơn sóng trùm cao tới 9m đủ sức nhấn chìm mọi tàu thuyền trên biển.
Cấp 11 - gió bão dữ dội, quét sạch mọi vật cản trên đường
Tốc độ gió ở cấp độ bão 11 có thể đạt ngưỡng 103 - 117km/h, cùng con sóng cao tới 11,5m sẽ quét sạch mọi vật cản nó gặp trên đường đi. Nhà cửa yếu hoàn toàn có thể bị sụp đổ, hư hại nặng sau cơn bão.
Cấp 12 - biển trắng xóa, không còn nhìn rõ mọi thứ xung quanh
Với những con sóng khổng lồ cao hơn 14m cùng sức gió đạt 132km/h, bạn dường như không còn nhìn thấy mọi thứ xung quanh. Tất cả thứ bạn cảm nhận là mưa lớn, gió thổi tạt người, không gian bị bao phủ bởi bọt và bụi nước, biển trắng xóa.
Ngày nay, đôi khi các cơn bão mạnh, siêu bão được đánh số từ 13 đến 17. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do hầu như không có bão mạnh đến mức đó, lý do là các cơn bão mạnh trên cấp 12 hầu như đều xuất phát từ ngoài đại dương, sau khi vượt qua Philippines để đổ bộ vào Việt Nam thì sức gió đã suy giảm rất nhiều nên người ta chỉ cần sử dụng thang sức gió Beaufort để mô tả sức mạnh của chúng.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: National Geographic, Wikipedia...
Bạn có thể xem thêm:
Cẩm nang chống bão: Làm gì khi siêu bão đổ bộ vào đất liền?