Đó là kết luận của các nhà nghiên cứu đến từ Hawaii, Na Uy và Úc. Tuy nhiên, chu kỳ “đập” của chúng rất dài, khoảng từ 5 tới 10 triệu năm. Các điểm tập trung núi lửa phản ứng lại với các dao động đến từ tâm của Trái Đất. Chính từ khu vực tâm này, các đợt sóng nhiệt xuyên qua các tầng đất đá, nung chảy các lớp đá ở sát bề mặt Trái đất và đẩy chúng phun trào, qua đó tạo nên các điểm nóng núi lửa.
Dung nham của núi lửa tại Hawaii đang phun trào ra biển.
Các điểm nóng nổi tiếng nhất trên thế giới có thể kể đến khu vực Công viên quốc gia Yellowstone của Mỹ, nơi tập trung nhiều suối phun nước nóng, vùng đảo Hawaii nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương và Iceland, quốc gia vốn nổi tiếng sau khi núi lửa từ đây phun tro bụi bay khắp châu Âu.
Các nơi này đều có những đợt phun trào lớn khi lớp vỏ Trái Đất bị nâng lên, kéo theo đó là sự thức giấc của những ngọn núi lửa lâu đời.
Núi lửa ở Iceland thức giấc mãnh liệt.
Đây là điều trái ngược với những ngọn núi lửa ở các nơi khác vốn được tạo thành từ các lớp đất đá ở sát mặt đất. Các núi lửa thông thường đó xuất hiện khi một mảng kiến tạo bị xô đẩy xuống dưới một mảng khác và tan chảy ra.
Các điểm nóng là một trong những bí ẩn của Trái Đất khi lý thuyết về núi lửa thông thường vốn không thể giải thích hiện tượng đó. Ngày nay, người ta cho rằng các điểm nóng và hoạt động của chúng có liên quan tới những vụ tuyệt chủng trên quy mô lớn của các loài động vật tiền sử khi các điểm này phun trào một lượng dung nham khổng lồ và hủy diệt tất cả ở diện rộng.
Hiện tượng phun trào của suối nước nóng ở Yellowstone, Mỹ.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu trên 20 điểm nóng về núi lửa và nhận thấy một chu kỳ “đập” của chúng. Các điểm này đạt đỉnh vào khoảng 10 triệu năm một lần và có một đợt “đập” nhẹ hơn theo chu kỳ 5 triệu năm. Nguyên nhân của hiện tượng này là quá trình chuyển hóa năng lượng từ tâm ra vỏ Trái Đất.
Nếu hàng loạt núi lửa cùng tạo ra một lượng tro bụi lớn như thế này,
môi trường sống sẽ bị hủy hoại, nhiều động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy nhiên hiện tại đây vẫn chỉ là một giả thuyết và cần có thêm thời gian để các nhà khoa học chứng minh nó. Nếu “nhịp tim của Trái Đất” thực sự tồn tại, người ta sẽ biết thêm rất nhiều thứ về lịch sử tiến hóa của hành tinh xanh.