Giải Nobel là tập hợp các giải thưởng quốc tế được trao hàng năm kể từ năm 1901 cho những cá nhân đạt thành tựu trong lĩnh vực vật lý, hóa học, y học, văn học, kinh tế và hòa bình. Riêng trong lĩnh vực hòa bình còn có thể được trao cho tổ chức hoặc cá nhân.
Người sáng lập nên giải Nobel là nhà bác học nổi tiếng cùng tên Alfred Nobel (1833 - 1896). Theo di chúc, số tài sản khổng lồ của ông được gửi vào ngân hàng và lấy tiền lãi hàng năm để trao tặng cho những ai đã đem đến những lợi ích tốt nhất cho con người.
Với 115 năm lịch sử của mình, giải Nobel đã vinh danh rất nhiều những thành tựu vĩ đại của nhân loại. Và trong năm 2015 này, chúng ta hãy xem những ai và đóng góp gì của họ đã nhận được giải thưởng cao quý này.
Nobel Y học: Phương pháp điều trị sốt rét và ký sinh trùng
Giải thưởng được chia hai, 1/2 trao cho ông William C Campbell (Mỹ) và ông Satoshi Omura (Nhật Bản) vì tìm ra liệu pháp mới chống nhiễm trùng do giun tròn kí sinh, và 1/2 còn lại trao cho bà Youyou Tu - Trung Quốc vì nghiên cứu phương thuốc mới chống lại sốt rét.
Ký sinh trùng vẫn luôn là một trong những vấn đề nhức nhối trong y học
Campell và Omura đã phát triển loại thuốc mới có tên gọi Avermectin, giúp gần như xóa bỏ tỷ lệ mắc bệnh mù sông (Onchocerciasis) và bệnh giun bạch huyết (Lymphatic filariasis).
Những chứng bệnh này đều do các loại giun tròn kí sinh trong cơ thể gây nên. Ngoài ra theo hội đồng Nobel, Avermectin có tác dụng với nhiều loại ký sinh trùng khác nữa.
Những nhà khoa học kiệt xuất đã giành giải Nobel Y học 2015
Còn giáo sư Đồ của Học viện Đông Y Trung Quốc đã phát hiện ra chất Artemisinin - một chất chiết suất từ cây ngải tây ngọt - một loại thảo dược cổ truyền của người Trung Quốc.
Chất này giúp làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong cho những người mắc sốt rét xuống hơn 20% và hơn 30% ở trẻ em. Hiện nay, thuốc của bà được sử dụng trên phạm vi toàn thế giới và chỉ tính riêng tại Châu Phi đã cứu sống hơn 100.000 người mỗi năm.
Nobel Vật lý: Giải mã "hạt ma" neutrino - siêu hạt cấu tạo nên vũ trụ
Giải thưởng này được cùng trao cho hai nhà khoa học Takaaki Kajita, Arthur B. McDonald trong việc khám phá ra khối lượng của neutrino - siêu hạt cấu tạo nên vũ trụ và tính chất biến đổi của nó.
Arthur McDonald và Takaaki Kajita - những người đã thay đổi rất nhiều khái niệm cơ bản trong vật lý hạt
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng neutrino là một loại hạt hạ nguyên tử, không mang điện tích, có khối lượng nghỉ bằng 0. Đặc biệt, hạt ma neutrino tồn tại ở ba dạng khác nhau.
Nhưng bằng việc sử dụng hai máy dò được đặt sâu trong lòng đất tại hai tỉnh Hofu thuộc Nhật Bản và Ontario thuộc Canada, hai nhà khoa học Kajita và McDonald đã phát hiện sự dao động của neutrino.
Theo đó, "hạt ma" neutrino có thể dao động, biến đổi luân phiên giữa ba hình thái khi truyền qua không gian - điều cho thấy chúng có khối lượng.
Phát hiện trên được xem là bước đột phá trong ngành vật lý học. Bởi nếu neutrino có khối lượng dù chỉ rất nhỏ cũng đã mâu thuẫn với các lý thuyết trong vật lý hạt, khiến chúng ta phải thay đổi lại rất nhiều khái niệm cơ bản trong lĩnh vực này.
Nobel Hóa học: nghiên cứu ADN chữa ung thư
Giải thưởng Nobel hóa học được trao cho Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar vì công trình nghiên cứu về cơ chế sửa chữa ADN trong tế bào - vật chất di truyền cơ bản của mọi sinh vật sống.
Về cơ bản, ba nhà khoa học đã phát hiện ra các phân tử ADN không hề ổn định như chúng ta nghĩ, mà ngược lại - chúng thay đổi và đột biến theo thời gian.
Ba nhà khoa học đã giành được giải Nobel Hóa học 2015
Từ đó, ba nhà khoa học nghiên cứu xem điều gì đã giữ cho ADN không bị phân rã và họ khám phá ra cơ chế tế bào sử dụng để sửa chữa ADN nhằm ngăn chặn các lỗi di truyền qua nhiều thế hệ.
Các cơ chế sửa chữa ADN giúp giới sinh vật học có cái nhìn sâu sắc hơn về các tế bào trong cơ thể chúng ta, đồng thời mở ra tiềm năng to lớn, một bước đột phá để phát triển các phương pháp trị ung thư.
Nobel Văn học: khắc họa chân thực hình ảnh của Liên Bang Xô Viết trong lịch sử nhân loại
Giải thưởng thuộc về nữ nhà văn Svetlana Alexievich người Ukraine cho công trình "Bách khoa toàn thư về thời kỳ Xô Viết".
“Những dòng văn đầy phúc điệu của bà, một tượng đài tri ân đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta. Những dòng văn phi thường giúp nhân loại hiểu biết sâu sắc hơn về cả một thời đại của thế giới - thời đại Liên bang Xô Viết" - Trích lời Viện Hàn lâm Thụy Điển
Svetlana Alexievich
Alexievich có cha là người Belarus còn mẹ là người Ukraine. Bà sinh ra và lớn lên ở Belarus, học nghề báo chí tại Đại học Minsk từ năm 1967 -1972.
Trong suốt sự nghiệp làm báo của mình, Alexievich đã phỏng vấn hàng ngàn nhân chứng trải qua các sự kiện chấn động nhất khối Liên Xô bao gồm Thế chiến II, thảm họa hạt nhân Chernobyl, sự sụp đổ của Liên Xô…
Nobel Hòa bình: đóng góp mang tính quyết định để xây dựng nền dân chủ đa nguyên tại Tunisia
Giải thưởng được trao cho Bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia, là một nhóm gồm bốn tổ chức khác nhau đóng vai trò trung tâm trong việc nỗ lực xây dựng nền dân chủ đa nguyên tại Tusinia.
Bộ tứ này gồm 4 tổ chức quan trọng trong xã hội dân sự Tunisia: Tổng liên đoàn lao động Tunisia (UGTT), Liên đoàn công nghiệp Tunisia (UTICA), Liên đoàn nhân quyền Tunisia (LTDH) và Hiệp hội luật sư Tunisia. Với vai trò của mình, 4 tổ chức nói trên đã đóng vai trò là lực lượng trung gian hòa giải và thúc đẩy tiến trình dân chủ hòa bình ở quốc gia này.
Trong bối cảnh nhiều nước đang lâm vào cảnh hỗn loạn, như Syria, Yemen... cùng với tác động của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, Ủy ban Nobel Na Uy đã chọn tôn vinh một đất nước chấp nhận đi con đường khác, từ đó hy vọng đây sẽ là tấm gương để những nước khác noi theo.
Nobel Kinh tế: mối quan hệ giữa tiêu dùng và đói nghèo
Người được trao tặng giải thưởng này là Angus Deaton, nhà kinh tế học gốc Scotland, đồng thời là giáo sư Đại học Princeton, Mỹ.
Giáo sư kinh tế Angus Deaton thuộc ĐH Princeton (Mỹ) Nghiên cứu đoạt giải của ông phân tích về mối quan hệ giữa tiêu thụ, nghèo đói, và sung túc trong xã hội của chúng ta.
Theo Viện Hàn Lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển, nghiên cứu này có 3 đóng góp rất lớn: Tìm ra cách người tiêu dùng phân bổ chi tiêu vào các loại hàng hóa khác nhau; Thu nhập của xã hội được phân chia thế nào giữa tiêu dùng và tiết kiệm; Cuối cùng là tìm ra phương pháp tối ưu để đo lường và phân tích sự giàu có – nghèo khổ.
Nguồn: Nobelprize