Ít ai biết rằng, ý tưởng sáng lập ra liên hoan phim quốc tế Cannes lại xuất phát từ việc can thiệp của chủ nghĩa phát xít vào điện ảnh. Thập niên 1930, bất bình trước sự “nhúng tay”, chỉ đạo của chính phủ phát xít Đức và Ý vào việc lựa chọn phim của Liên hoan phim Venezia, hai nhân vật Émile Vuillermoz (nhà phê bình âm nhạc và điện ảnh) và Renée Jeanne (nhà biên kịch, diễn viên và nhà viết sử điện ảnh) đã đề xuất với Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Nghệ thuật Pháp - Jean Zay về việc thành lập một liên hoan phim điện ảnh quốc tế tại Pháp. Ý kiến này đã được nhiều nước Đồng minh như Anh và Mỹ ủng hộ. Đây cũng chính là tiền thân ra đời của liên hoan phim Cannes 65 tuổi như ngày nay. |
Liên hoan phim Cannes đầu tiên diễn ra ngày 1/9/1939 nhưng chỉ diễn ra vỏn vẹn có 48 tiếng, quá sớm so với dự kiến và chỉ kịp trình chiếu bộ phim "Thằng gù nhà thờ Đức Bà" của Hollywood. Nguyên nhân của sự việc trên đó chính là sự kiện phát xít Đức nổ súng tấn công xâm lược Ba Lan, phá vỡ không khí hòa bình trên toàn châu Âu. |
Là một liên hoan phim quốc tế nổi tiếng song thời kì đầu, các nhà tổ chức Cannes đã gặp vô vàn khó khăn về tài chính và địa điểm tổ chức. Liên hoan phim đầu tiên năm 1939 đã diễn ra tại một… casino cũ. Sau này, khi đã thực sự phát triển, liên hoan gắn liền với thảm đỏ danh giá của cung Croisette (còn gọi là cung Liên hoan và Hội nghị Cannes), chẳng kém gì nhà hát Kodak - nơi diễn ra lễ trao giải Oscar ở Mỹ. |
Cành cọ vàng - giải thưởng biểu tượng được trao cho bộ phim xuất sắc nhất đã tạo nên thương hiệu cho liên hoan phim Cannes. Ra đời năm 1954 thay thế cho giải Grand Prix (giải thưởng lớn), cành cọ vàng đã trải qua nhiều thăng trầm, đã có lúc phải ngừng trao và thay thế do vấn đề bản quyền. Được làm từ vàng 24k, biểu tượng này đã từng có rất nhiều các thiết kế khác nhau và hoàn thiện dần theo từng giai đoạn cho tới nay. |
Giải Cành cọ vàng đầu tiên được trao cho bộ phim "Marty" của đạo diễn Delbert Mann năm 1955. Trong văn hóa Hy Lạp truyền thống, cành cọ là biểu tượng của chiến thắng và thiên đường. Thiết kế hiện tại của Cành cọ vàng xuất hiện năm 1997, do Caroline Scheufele sáng tạo tại Chopard. Nó được chạm khắc tinh tế, mạ vàng 24k, đặt trong một tinh thể bên ngoài và nằm yên trong chiếc hộp da màu đỏ sang trọng. |
Liên hoan phim Cannes không chỉ là dịp trao giải cho các bộ phim xuất sắc mà còn là nơi để các sao diện kiến và quảng bá hình ảnh trước công chúng. Quy định trang phục của các sao rất chặt chẽ khi bước trên thảm đỏ Cannes: nam phải ăn mặc theo kiểu truyền thống (áo vest đuôi tôm) còn nữ thì mặc đầm dạ hội do các nhà mốt nổi tiếng trên thế giới thiết kế. Tuy nhiên, trong lịch sử 65 năm phát triển của mình, có một người đã không tuân theo quy tắc ấy: đó là danh họa Pablo Picasso trong LHP Cannes 1953, với chiếc áo vest da cừu. |
Năm 1959, hội chợ phim Cannes chính thức ra đời và hoạt động song song với liên hoan phim. Với sự xuất hiện này, liên hoan phim đã trở thành một lễ hội, một sự kiện quốc tế lớn của ngành công nghiệp điện ảnh cả trên khía cạnh nghệ thuật lẫn thương mại. Tính tới năm 2007, hội chợ kiểu này đã thu hút hơn 10.000 người tham gia từ 91 quốc gia trên thế giới. |
Ngay trong lần tổ chức chính thức đầu tiên năm 1946, một sự cố hi hữu đã xảy đến với liên hoan phim danh giá này. Bộ phim "Les Enchaînés" rất nổi tiếng của đạo diễn Alfred Hitchcock trong buổi công chiếu đã trở thành một thảm họa do các kĩ thuật viên đã trộn lẫn các cuộn phim vào với nhau. Sau này, vào năm 1975, cung Croisette bị một tổ chức quá khích đánh bom, rất may là liên hoan vẫn diễn ra bình thường. |
Bộ phim dài nhất trong lịch sử từng tham dự liên hoan phim Cannes là bộ phim tài liệu “The War” nói về Thế chiến II của đạo diễn Ken Burns. Thời lượng của bộ phim lên tới 14 tiếng, được công chiếu nhân dịp kỉ niệm sinh nhật thứ 60 của LHP Cannes, diễn ra năm 2007. |
Liên hoan phim Cannes còn chắp cánh cho một mối tình rung chuyển thế giới điện ảnh. Nữ minh tinh màn bạc Grace Kelly năm 1955 đã gặp gỡ hoàng tử Monaco Rainier và chỉ một năm sau, họ trở thành vợ chồng. Kelly đã sinh cho hoàng gia 3 người con trước khi ra đi vì một tai nạn ô tô. |
Bê bối hậu trường lớn nhất trong lịch sử Cannes đó chính là scandal năm 1954 của nữ diễn viên Simone Silva. Cô này trong khi chụp ảnh với ngôi sao Robert Mitchum trước báo giới đã đồng ý bỏ áo ngực để thay vào đó là 2 bàn tay của Mitchum. Sự kiện động trời này đã hủy hoại sự nghiệp của Silva, một nguyên nhân không nhỏ dẫn tới vụ tử tự của cô 3 năm sau đó. Danh tiếng của liên hoan phim Cannes cũng vì thế mà bị ảnh hưởng không nhỏ. |
Bạn có thể xem thêm: |