Ruộng bậc thang là một hình thức canh tác trên địa hình dốc của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới. Đây là loại hình đầu tiên con người tác động vào tự nhiên để phục vụ sản xuất, đồng thời tạo ra cảnh quan thiên nhiên mới.
Ở các vùng cao, miền núi địa hình khó canh tác, nhất là với nông nghiệp trồng lúa nước, người dân đã khắc phục bằng cách chọn các sườn đồi để tạo thành những vạt đất bằng. Tùy vào ý định canh tác mà có thể để khô hoặc dẫn nước từ những đỉnh núi cao hơn về.
Ruộng bậc thang được sử dụng phổ biến khắp thế giới hàng nghìn năm, với mỗi nước, chúng lại mang một vẻ đẹp, màu sắc riêng.
1. Ruộng bậc thang Sapa, Việt Nam
Từ năm 2009, Tạp chí Travel and Leisure của Mỹ đã công bố ruộng bậc thang ở Sa Pa là một trong 7 thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới.
Các thửa ruộng bậc thang Sa Pa có từ hàng trăm năm, được tạo nên bởi đôi bàn tay của những người dân tộc thiểu số miền núi.
2. Ruộng bậc thang Đà Lạt, Việt Nam
Khác những cung ruộng bậc thang lúa ở vùng Tây Bắc hùng vĩ, ruộng bậc thang ở đây hiện lên một vẻ thanh bình, yên ả , đầy sức sống. Ở Đà Lạt, ruộng bậc thang nằm bao quanh những ngôi nhà nhỏ, bên đồi thông bạt ngàn, chạy theo các cung đường ngoằn ngoèo… là khu vực trồng rau màu đan xen các loại hoa.
3. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Yên Bái, Việt Nam
Mù Cang Chải, nằm dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000m so với mực nước biển. Hàng năm, cứ đến mùa gặt lúa tháng 10 - 11 ở Mù Cang Chải là thời điểm rực rỡ nhất , đông du khách nhất nơi đây.
Mù Cang Chải đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng là danh thắng quốc gia.
4. Ruộng bậc thang ở Nguyên Dương, Vân Nam, Trung Quốc
Ruộng bậc thang huyện Nguyên Dương đã có hơn 1.000 năm lịch sử, quy mô rộng lớn, có thể cung cấp đủ lương thực cùng nhiều loại cá khác nhau cho hàng trăm ngàn người dân sống quanh vùng.
Lượng nước cung ứng cho cánh đồng được lưu giữ trên đồi cao ở các khu rừng và chảy xuống cánh đồng qua hệ thống kênh rạch nhằm phục vụ cho việc tưới tiêu.
5. Ruộng bậc thang Long Tích, Quảng Tây, Trung Quốc
Ruộng bậc thang này được xây dựng từ triều đại nhà Nguyên (1271-1368) và hiện nay đã trở thành một trong những ruộng nổi tiếng thế giới.
Nó có quy mô đồ sộ, nằm rải rác trên các ngọn đồi cao hơn mặt biển từ 300 - 1.100m, với độ dốc lớn nhất là 50 độ, ruộng lúa nước tầng tầng lớp lớp xếp từ chân đồi đến đỉnh đồi.
6. Ruộng bậc thang Moray, Peru
Ruộng bậc thang xoắn ốc của người Inca cổ đại ở độ cao hơn 3.000m, trông giống một đấu trường La Mã cổ đại đào sâu xuống đất. Khoảng cách giữa hai bậc thang từ 1,8m đến hàng chục mét.
Điều lý thú ở ruộng Moray là sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn, khoảng 15 độ C giữa đỉnh và đáy ruộng trong cùng một thời điểm. Do vậy, tổng thể ruộng Moray có đến 20 loại khí hậu khác nhau, bằng với độ chênh từ mặt nước biển đến đỉnh núi cao 1.000m.
7. Ruộng bậc thang Pisac, Peru
Ruộng bậc thang tạo bởi người Inca cổ này gồm 16 khu vực trồng trọt khác nhau. Nơi đây có các ngôi đền, nhà ở của dân và nhiều góc nhìn tuyệt đẹp của vùng thung lũng giữa núi Salkantay.
8. Ruộng bậc thang Himalaya, Nepal
Khung cảnh ruộng bậc thang từ trên đỉnh Himalaya nhìn xuống như một bức tranh nhiều màu sắc đan xen của lúa mì, khoai tây và đậu lăng. Vào mùa mưa thì ruộng chủ yếu trồng gạo.
9. Ruộng bậc thang Banaue, Philippines
Ruộng bậc thang Banaue 2.000 năm tuổi được công nhận Di sản văn hóa thế giới. Ruộng nằm tại núi Ifugao của Philippines và được tạo nên bởi tổ tiên những cư dân bản địa Batad. Banaue được gọi là “kỳ quan thứ 8 của thế giới ” bởi mức độ quy mô và chiều cao đáng kinh ngạc.
Với chiều cao 1.500m so với mực nước biển và diện tích trên 10.360 km vuông, người ta nói Banaue có đủ khả năng bao quanh một nửa thế giới nếu như điểm kết thúc không phải là trên sườn núi.
10. Ruộng bậc thang Ubud, Bali, Indonesia
Ruộng bậc thang là hình thức canh tác hầu khắp Bali. Tập quán trồng trọt của người Bali trên vùng đất này đã tồn tại 2.000 năm. Ở miền Trung Bali có làng Tegallalang thuộc quận Ubud có rất nhiều ruộng bậc thang, thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Bạn có thể xem thêm: