Bên cạnh những loài
động vật có hình thù quái dị, tập tính giao phối kỳ lạ hay được Mẹ Thiên nhiên khoác trên mình tấm áo sặc sỡ sắc màu... thì có một phần không nhỏ các loài được bao phủ một màu xanh lam độc đáo.
Cùng tìm hiểu một vài loài động vật có màu xanh lam "độc và lạ" như thế qua tổng hợp của chuyên trang National Geographic dưới đây.
1. Chim booby chân xanh
Tên khoa học của loài chim booby chân xanh là Sula nebouxii. Đây là một loài chim biển sống chủ yếu tại miền ven biển và các đảo ở Trung Mỹ và Nam Mỹ. Chúng có thể lặn và bơi dưới nước để kiếm mồi. Điểm nổi bật của loài chim đáng yêu này là chúng có đôi chân màu xanh lam sáng.
Màu xanh lam của chân chim booby có được một phần nhờ các chất dinh dưỡng trong cá tươi. Những con chim trống bắt được càng nhiều cá thì màu sắc chân của chúng càng rực rỡ, khiến chúng trở nên hấp dẫn đối với chim mái hơn. Màu xanh của chân chim booby trở thành đặc điểm nhận dạng để chim mái lựa chọn bạn tình, cho ra đời những thế hệ chim non khỏe mạnh.
2. Ếch Moor
Sống phổ biến từ châu Á sang châu Âu, loài ếch Moor trông bình thường như bao loài ếch khác với lớp da màu nâu đỏ. Tuy nhiên vào mùa sinh sản, những con ếch đực lại chuyển thành màu xanh lam nhạt chỉ trong vòng một vài ngày nhất định. Trong ảnh trên, bạn có thể thấy sự tương phản về màu sắc xanh của ếch đực với màu bình thường của ếch cái.
Các nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu hiện tượng kì lạ này. Họ kết luận rằng, màu xanh của ếch đực không phải là tiêu chí để ếch cái chọn đôi lứa như loài chim booby chân xanh. Thế nhưng, màu sắc này lại đặc biệt hữu ích cho ếch đực để chúng dễ phân biệt giữa ếch đực và ếch cái trong mùa sinh sản, tránh trường hợp “gặp nhầm đối tượng”.
3. Cá bàng chài xanh
Cá bàng chài xanh có tên khoa học: Achoerodus viridis, là một loài cá đặc biệt thuộc họ Cá Bàng chài, sinh sống chủ yếu ở bờ biển miền Nam nước Úc. Nếu bạn thấy một con cá bàng chài có màu xanh lam rực rỡ như thế này, bạn có thể gần như khẳng định chắc chắn nó là một con cá đực.
Thế nhưng bạn có biết những con cá đực này khi sinh ra, chúng đều là cá cái và có màu xanh lá cây. Đến khi cá cái trưởng thành, chúng chuyển thành màu nâu. Cuối cùng, khi đạt đến một độ tuổi nhất định, cá bàng chài đổi sang màu xanh lam và đổi luôn giới tính thành cá đực. Quả là một hiện tượng hiếm gặp trong tự nhiên!
4. Tôm hùm xanh
Tôm hùm vốn từ lâu đã nổi tiếng với độ thơm ngon và sự đắt đỏ của chúng. Nếu không tính những con tôm đã luộc thì màu sắc phổ biến nhất của tôm hùm là màu xám nâu. Thế nhưng các ngư dân ở Bắc Mỹ thỉnh thoảng lại đánh bắt được những con tôm hùm có màu xanh lam kì lạ.
Màu xanh lam kì lạ của tôm hùm là kết quả của một đột biến gene hiếm gặp, phải 2 triệu con mới có một con mắc phải. Đột biến này làm cơ thể tôm hùm tổng hợp một loại protein nhiều hơn mức bình thường, khiến cho chúng có màu sắc độc đáo này.
Ta có thể giải thích về màu sắc của loài tôm hùm như sau. Màu xám nâu của tôm hùm là sự hòa trộn các sắc tố đỏ, vàng, xanh lá cây và xanh lam. Nhưng nếu bị đột biến gene, con tôm hùm sẽ chỉ mang một sắc màu duy nhất trong bảng màu là màu xanh lam, còn các màu còn lại không biểu hiện.
Đôi khi, các ngư dân còn đánh bắt được tôm hùm có màu đỏ tự nhiên hẳn hoi (chứ không phải đã luộc nhé), nhưng với tỉ lệ 1:10 triệu con.
5. Sên xanh lam
Loài sên có màu sắc độc đáo này ẩn dưới những thảm lá mục dưới tán các khu rừng ẩm ướt ở phía Nam và Đông Nam đảo Vancouver, Canada. Chúng có kích thước nhỏ bé, với chiều dài thân mình chỉ xấp xỉ 2 - 3cm.
Loài sên này đặc biệt ở chỗ, nếu có kẻ thù săn đuổi, nó sẽ tự đứt phần đuôi của mình ra để chạy thoát thân, giống như một số loài thằn lằn vậy.
Tuy nhỏ bé là vậy, song loài sên màu xanh lam này có vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ sinh thái. Nó giúp phát tán bào tử của một loại nấm có ích, bản thân loại nấm này giúp các loài cây lớn trong rừng lấy được nhiều dưỡng chất từ môi trường đất. Vậy nên các nhà khoa học cho rằng, loài sên xanh lam này không chỉ đẹp mà còn rất có ích nữa.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: National Geographic, Wikipedia...